Thứ ba 05/11/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thái Nguyên cân nhắc lựa chọn địa điểm Khu liên cơ quan và sân vận động mới

06:00 | 14/10/2016

(Xây dựng) - Tỉnh Thái Nguyên hiện đang tham khảo ý kiến chuyên gia và các ngành, địa phương về việc lựa chọn địa điểm xây dựng Khu liên cơ quan và sân vận động tỉnh Thái Nguyên mới.


Hội nghị xin ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Thái Nguyên về địa điểm quy hoạch xây dưng Khu liên cơ quan và sân vận động của tỉnh (Ảnh Báo TN)

Xu thế

Nhằm tăng cường công tác quản lý hiện đại hóa công sở, nâng cao năng lực hành chính công, ngày 5/7/2011 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1073/CT-TTg về việc xây dựng các khu hành chính cấp tỉnh theo hướng tập trung. Trong đó nhấn mạnh khái niệm khoa học trong tổ chức, đảm bảo sự kết nối giữa chính quyền và công dân, đặc biệt phải tùy theo điều kiện của địa phương về nguồn vốn xây dựng.

Từ đó, nhiều trung tâm hành chính cấp tỉnh được triển khai với mức độ khác nhau, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như Bà Rịa-Vũng Tàu, Lai Châu, Lào Cai, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng... Nhiều địa phương khác như: Hải Dương, Cao Bằng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai... cũng đã có dự án được phê duyệt, đang xúc tiến các bước tiếp theo.

Trong xu thế chung đó, ngày 10//4/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 729/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên trên diện tích khoảng 1.500ha và đất phân khu thành 18 mục đích khác như: Đất xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh (17,8ha); đất hành chính khu vực và công cộng (77,4ha); đất công trình văn hóa (95,1ha); đất công trình giáo dục (36,4ha); đất công viên (75,8ha); đất cây xanh tự nhiên, cây xanh bảo tồn (153,3ha); mặt nước (40,3ha); đất nghỉ dưỡng (62,1ha)…

Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 do Nikken.jp thực hiện, Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên sẽ là sự tích hợp “3 trong 1” gồm: Nơi đặt trụ sở làm việc các cơ hành của tỉnh; nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân; nơi nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ khi đơn vị thiết kế đã đặt mục tiêu bảo tồn các làng (cụm dân cư hiện có) phù hợp với quy hoạch, giữ lại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như: chùa, nhà thờ...

Thái Nguyên cũng chủ trương sẽ xây dựng các tòa nhà liên hợp cao tầng để làm trụ sở cho khối cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh nên không chỉ cải thiện điều kiện làm việc đối với cán bộ mà còn tích cực hỗ trợ cho công tác cải hành chính công của tỉnh.

Mặc dù có quyết tâm rất lớn, song do thiếu nguồn lực tài chính nên Quy hoạch Khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên trở thành quy hoạch “treo” từ đó đến nay.

Đề xuất chuyển địa điểm

Trong quá trình thực hiện quy hoạch chung điều chỉnh TP Thái Nguyên, một vấn đề phát sinh buộc những nhà quản lý quy hoạch quan tâm là điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ trên sông Cầu. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ cho thấy, quỹ đất phía Đông sông Cầu của TP Thái Nguyên với khoảng 1.000ha rất thuận lợi cho việc phát triển đô thị, góp phần tạo sự phát triển cân bằng giữa 2 khu vực Tây và Đông sông Cầu.

Bởi vậy, Tập đoàn Phúc Lộc (Ninh Bình) và Cienco8 đã đề xuất xây dựng Khu liên cơ quan rộng khoảng 10ha và sân vận động của tỉnh cũng rộng khoảng 10ha tại khu vực phía Đông sông Cầu.

Theo đại diện của Tập đoàn Phúc Lộc, lý do chuyển hướng xây dựng khu hành chính tỉnh Thái Nguyên bởi khu vực phía Tây có vùng chè Tân Cương còn khu phía Đông chủ yếu là khu trồng hoa mầu; khu phía Tây có địa hình bán sơn địa nên ít thuận lợi cho việc xây dựng còn khu phía Đông lại khá bằng phẳng… Trong khi đó, đối với sân vận động tỉnh, hiện đang nằm ở khu vực trung tâm nên khả năng mở rộng là không thể.

Cân nhắc kỹ

Tại phiên họp ngày 26/9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã cho ý kiến về vị trí xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Thái Nguyên tại khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên và phía Đông Sông Cầu của TP Thái Nguyên. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định việc xây dựng Trung tâm hành chính tập trung là một xu hướng tất yếu phải hướng đến, nhằm hiện đại hóa nền hành chính công; đảm bảo cơ hội để thành phố và tỉnh phát triển nhanh và toàn diện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Thái Nguyên là việc lớn, vì thế Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu các nội dung cần xin ý kiến; nghiên cứu làm rõ cơ sở pháp lý và khoa học, tính thực tiễn, đồng thời so sánh, phân tích ưu, nhược điểm của vị trí quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên tại Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị phía Tây TP Thái Nguyên và phương án mới ở phía Đông Sông Cầu về Dự án xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Thái Nguyên.

Mới đây, nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học bàn, cán bộ quản lý…về việc xây dựng Khu liên cơ quan và sân vận động tỉnh Thái Nguyên đã được tổ chức.

Tại Hội thảo ngày 10/10, đại diện các sở, ngành, các nhà quản lý, chuyên gia lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và một số nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thuận lợi, những thiệt hơn khi xây dựng Khu liên cơ quan và sân vận động tại Khu đô thị phía Đông sông Cầu. Những vấn đề về kết nối đối nội, đối ngoại của công trình, tầm nhìn giao thông, đô thị và vấn đề đảm bảo an ninh cũng được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng nêu những lo lắng về sự lặp lại nhược điểm của các công trình tương tự xây trước đó; tính bền vững khi triển khai các hình thức đầu tư mới.

Một trong những lo ngại thường trực của nhiều nhà quản lý là khả năng tài chính thực hiện dự án của nhà đầu tư do vấn đề tài chính của Thái Nguyên mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức thấp, mỗi năm chưa ngân sách tỉnh được khoảng chục nghìn tỷ đồng.


Trung tâm hành chính tại Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã lộ rõ bất cập.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên Nguyễn Văn Cường cho rằng: Theo quyết định 1536/QĐ-TTg, TP Thái Nguyên với tiêu chí xây dựng thành phố “2 bên dòng sông”, khung đô thị thay đổi; trung tâm hành chính có cơ hội trở lại vị trí lịch sử vì điểm trung tâm của thành phố về địa lý, được xác định tại vị trí trung tâm đô thị hiện hữu. Đồng thời, cũng theo quyết định này ta có thêm sự lựa chọn trung tâm hành chính nơi có quỹ đất rộng rãi, thỏa đáng. “Tại khu vực đô thị mới phía Tây khi xây dựng dễ tạo dựng bộ mặt mới đô thị, nhưng cũng hạn chế sự kết nối với khu đô thị hiện hữu, vỡ khung hình của Thị xã Núi Cốc hình thành trong tương lai, khu bảo tồn chè “Thái - Tân Cương”. Mặt khác, khu vực này không phải vị trí trung tâm của đô thị TP Thái Nguyên theo quy hoạch điều chỉnh “Thành phố hai bên bờ sông Cầu”. Khu vực phía Đông của sông Cầu không được thuận lợi về vị trí, bị ảnh hưởng của hành lang thoát lũ và cấu tạo địa chất khu vực”- KTS Nguyễn Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên đề xuất: Nên tách khối Đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể cho phù hợp thực tế Thái Nguyên vì khu vực Trụ sở Tỉnh ủy đã có và đang dần hoàn thiện. Một số đơn vị không nhất thiết phải đưa vào hoạt động tại trung tâm hành chính tập trung như: Ban quản lý khu công nghiệp, Tỉnh Đoàn..., như vậy cũng phù hợp với quy mô vốn (sẽ giảm được vốn đầu tư).


Sơ đồ toàn cảnh Khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2013-2025.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV: Đề án Khu liên hợp thể thao cấp vùng trong quy hoạch tổng thể Khu đô thị phía Tây thành phố đã được phê duyệt theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 10/4/2012 của UBND tỉnh cũng đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên nghiên cứu, đề xuất với giá trị nhiều nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình như trụ sở Tỉnh Đoàn, Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài Nguyên và Môi trường… cũng vừa hoàn thiện cải tạo hoặc xây mới.

Ở góc độ quốc gia, trên thực tế, việc xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại nhiều địa phương đã và đang bộc lộ những bất cập như ở Lào Cai và Đà Nẵng. Vì lẽ đó, theo giới chuyên môn, việc xây dựng trung tâm hành chính tại Thái Nguyên là xu thế tất yếu nhưng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh “ép” chín sớm dễ gây lãng phí, không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load