(Xây dựng) - UBND tỉnh Tây Ninh vừa ra thông báo công khai về việc lấy ý kiến dự thảo đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Tây Ninh đang lấy ý kiến đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 công khai minh bạch. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Căn cứ Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, các quy định pháp luật về khoáng sản, vật liệu xây dựng hiện hành, UBND tỉnh này đã tổ chức lập Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã tiến hành khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan.
Để việc lập, phê duyệt Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 công khai minh bạch và triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh Tây Ninh thông báo lấy ý kiến dư luận xã hội trước khi phê duyệt Đề án.
Đề án đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện đề án sau khi phê duyệt.
Về nguyên tắc xây dựng và thực hiện đề án - khoanh định, hình thành khu vực thăm dò đưa vào khai thác (vật liệu san lấp, cát xây dựng) thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn (từ trên 15 ha) để khai thác có hiệu quả phục vụ các công trình trọng điểm phía Nam của tỉnh Tây Ninh.
Không khoanh định diện tích manh mún, nhỏ lẻ, trữ lượng thấp (trừ khu vực đang khai thác, đã tiếp nhận hồ sơ, đang thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản).
Ưu tiên các khu vực đất do Nhà nước quản lý, khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng (khu vực bán ngập) để chủ động quỹ đất thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Phân bổ đảm bảo trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ khu vực phía Nam tỉnh, dọc các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài – Xa Mát, sân bay và các tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt).
Rà soát điều chỉnh đưa vào giai đoạn mới, khu vực dự trữ hoặc đề xuất các phương án phù hợp đối với các điểm mỏ đã được quy hoạch trước đây: Chưa thực hiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản mà thuộc vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; có hiện trạng là đất lúa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng là đất lúa; các điểm mỏ chuyển tiếp kỳ quy hoạch trước mà chủ sử dụng đất đến hết năm 2023 không đăng ký nhu cầu cấp phép hoạt động khoáng sản.
Ưu tiên cung cấp các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương được thực hiện theo quy trình như các dự án đầu tư và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đồng thời được kiểm soát chặt chẽ về giá.
Xác định rõ khu vực, vị trí cung cấp vật liệu xây dựng được quy định cụ thể trong giấy phép khai thác đối với các dự án đã được cấp giấy phép không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Không điều chỉnh độ sâu khai thác đối với các điểm mỏ đã được tiếp nhận, chấp thuận chủ trương thăm dò, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, đã và đang khai thác (khu vực manh mún nhỏ lẻ theo quy hoạch trước đây).
Đề án đã rà soát không đưa vào 73 khu vực (đã khai thác hết trữ lượng, đã và đang thực hiện thủ tục đóng cửa mở, không phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương; nằm trong khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; chủ sử dụng đất không đăng ký nhu cầu cấp phép hoạt động khoáng sản và diện tích manh mún nhỏ lẻ) và khoanh định được 133 khu vực.
Nguyễn Đức
Theo