(Xây dựng) - Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, lãnh đạo một số Vụ thuộc Bộ Xây dựng đã có những đề xuất, kiến nghị với các đơn vị, địa phương và làm rõ một số nội dung quan trọng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Mạnh Khởi: Hoàn thành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Mạnh Khởi. |
Năm 2024, Bộ Xây dựng đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai công tác xây dựng thể chế và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ban hành. Tính đến tháng 12/2024, Bộ đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản (1 Luật, 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 6 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 10 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 2 Nghị định, 2 Đề án để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Bộ cũng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án Luật, đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Hiện, Bộ đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, xây dựng theo tiến độ được phê duyệt, đó là Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị…
Đánh giá chung, các VBQPPL do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong năm 2024 đã cơ bản bảo đảm tiến độ, chương trình, kế hoạch đã đặt ra. Các VBQPPL được ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật có liên quan…
Đồng thời, bám sát thực tiễn thông qua đánh giá, tổng kết chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tế và tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ điểm nghẽn. Đây là những quy định phù hợp với thực tế; thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước; tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Xây dựng như: Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; tham gia sửa đổi một số Luật liên quan đến đầu tư, đầu tư công, PPP và các Nghị định có liên quan…
Sau khi Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 được ban hành, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai Hội nghị phổ biến tới tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ đã phối hợp với các địa phương chủ động triển khai tổ chức tập huấn quy định của pháp luật nhà ở, kinh doanh bất động sản để người dân, doanh nghiệp triển khai thực hiện; Tham gia Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL; Giúp việc cho Ban Chỉ đạo, tiếp tục tham gia Tổ công tác, Tổ giúp việc của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các VBQPPL và tích cực triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu; Đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các VBQPPL cần xử lý sau rà soát; Đôn đốc các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành thuộc thẩm quyền do Quốc hội, Chính phủ giao…
Trong năm 2025, Vụ Pháp chế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Theo đó, các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc trình ban hành VBQPPL chưa ban hành hoặc chậm ban hành theo chương trình đề ra, đảm bảo hoàn thành kế hoạch ban hành.
Địa phương cần kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành để giúp doanh nghiệp, người dân có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả.
Các đơn vị cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng VBQPPL năm 2025.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng: Tổ chức tập huấn Luật, lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng. |
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV với 6 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, từ hai Luật là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014, Bộ Xây dựng đã xây dựng lại, hệ thống hóa một cách rõ nét quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản và tích hợp, lồng ghép một số quy hoạch như quy hoạch phân khu tại các đô thị loại III, IV, V vào quy hoạch chung; Đơn giản hóa cấp độ quy hoạch, nội dung quy hoạch, đảm bảo trình tự trong quá trình thực hiện; Tạo hướng mở để Chính phủ quy định loại hình quy hoạch, đối tượng lập quy hoạch, quy mô cần thiết lập quy hoạch.
Thứ hai, bổ sung các yêu cầu, nguyên tắc mang tính thống nhất, phù hợp của cấp độ quy hoạch nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại địa phương thời gian qua.
Thứ ba, đơn giản hóa về trình tự, thủ tục, thời gian lập quy hoạch để công cụ quy hoạch sẽ là những bước quan trọng dẫn dắt, thu hút đầu tư và định hình không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị, nông thôn.
Thứ tư, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương lập quy hoạch ngay từ công tác tổ chức lập, phê duyệt.
Thứ năm, bổ sung các yêu cầu chặt chẽ trong công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Thứ sáu, làm rõ hơn nguồn lực cho công tác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức tập huấn Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Quyết định, Thông tư… Do đó, Vụ Quy hoạch kiến trúc đề nghị các Sở Xây dựng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng Nghị định hướng dẫn, Quyết định, Thông tư mang tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, công tác rà soát, điều chỉnh của các đô thị phải được triển khai kịp thời. Vụ đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch cần phải lập và điều chỉnh với tinh thần mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thành các quy hoạch đã được phê duyệt Nhiệm vụ như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Đức, Long Thành, Cần Thơ, Nhơn trạch… và các khu chức năng mang tầm quốc gia; Tăng cường công tác xây dựng công cụ hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý nhằm rút ngắn thời gian quản lý, đánh giá sự phù hợp của các cấp độ quy hoạch. Vụ cũng sẽ phối hợp, tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra tại các địa phương, giảm bớt vi phạm quy định pháp luật về quy hoạch.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Hoàng Hải Vân: Đã cơ bản hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Hoàng Hải Vân. |
Bộ Xây dựng đã thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một số nội dung lớn của Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Hiện nay, Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ GTVT để xây dựng Đề án hợp nhất 2 Bộ. Về cơ bản, công tác xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và dự thảo Đề án hợp nhất đến nay đã hoàn thành.
Bộ Xây dựng là Bộ có cơ cấu tổ chức tinh gọn nhất trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, cơ cấu tố chức của Bộ đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc trước đó.
Số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%. Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Trong điều kiện bộ máy tổ chức và số lượng biên chế đã tinh gọn qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo việc xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT với 2 yêu cầu lớn. Đó là nghiêm túc rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy bên trong Bộ Xây dựng để lên phương án tiếp tục tinh gọn bộ máy; đã tinh gọn thì cần tinh gọn hơn nữa; Nhận thức Bộ Xây dựng và Bộ GTVT là một, không phân biệt để thẳng thắn đánh giá các chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, hoặc có sự gắn kết, liên thông. Qua đó mạnh dạn đề xuất các phương án đột phá để giải thể hoặc hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị của 2 Bộ theo hướng tinh gọn, khoa học và nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động…
Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục tham mưu để Lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ GTVT làm việc với Bộ Nội vụ, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất, trình Ban chỉ đạo Chính phủ.
Yến Mai
Theo