(Xây dựng) - Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội) |
Tạo ưu đãi vượt trội để tháo gỡ vướng mắc
Báo cáo về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trường kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách Nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KHCN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KHCN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; Cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc; Tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kinh phí dự kiến bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua chủ yếu gồm: Các nguồn kinh phí thực hiện hoạt động nằm trong nguồn ngân sách hằng năm dành cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và nguồn kinh phí huy động từ sự đóng góp, đầu tư từ xã hội cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội) |
Đối với cơ chế, chính sách trong KHCN và đổi mới sáng tạo, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với các cơ chế, chính sách về vấn đề này, tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Điều 4), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ nội hàm của quy định “được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất” để thống nhất cách hiểu.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do đó, không cần quy định trong dự thảo Nghị quyết. Về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Điều 5), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ quy định này có thể phát sinh rủi ro, xung đột lợi ích và thiếu cơ chế kiểm soát tài sản công.
Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Điều 6), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự; cần quy định để xác định được tổ chức, cá nhân đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nhưng vẫn xảy ra rủi ro.
Về cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai nhiệm vụ KHCN (Điều 7), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ quy định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay của Quốc hội; sự khác nhau giữa quy định này với khoản 2 Điều 60, khoản 3 Điều 61 Luật KHCN. Có ý kiến đề nghị cho phép các tổ chức KH&CN thành lập quỹ KH&CN.
Về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 8), Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy quy định này là phù hợp với tính chất của hoạt động KHCN. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đề nghị đánh giá kỹ vướng mắc trong thực hiện khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN thời gian qua.
Về quyền quản lý, sử dụng, sở hữu tài sản trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước và quyền, quản lý, sử dụng, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 9), có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian 05 năm vì quá dài để thu hồi ngân sách Nhà nước khi không tổ chức triển khai ứng dụng kết quả nhiệm vụ KHCN, có thể gây lãng phí, nhất là bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Về ưu đãi thuế cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (Điều 11), có ý kiến cho rằng không nên quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vì đã được hưởng các ưu đãi trong sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.
Về phát triển công nghệ chiến lược (Điều 12), đề nghị cân nhắc quy định này vì không có sự khác biệt của Điều 12 dự thảo Nghị quyết với Điều 5 và 6 Luật Công nghệ cao; Khái niệm “công nghệ chiến lược” chưa được làm rõ.
Làm rõ căn cứ quy định mức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G
Đối với cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với các cơ chế, chính sách về vấn đề này, tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề.
![]() |
Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội) |
Về đầu tư, thuê, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số (Điều 13), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu giới hạn các dự án, gói thầu cụ thể được áp dụng chỉ định thầu; làm rõ cơ sở quy định thời gian thí điểm về đầu tư, thuê, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số chỉ áp dụng giai đoạn 2025 - 2026.
Về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G (Điều 14), đề nghị có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn hỗ trợ; làm rõ căn cứ quy định mức hỗ trợ; cân nhắc quy định này vì doanh nghiệp có thể tự đầu tư, có thể sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Về phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư (Điều 15), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn.
Về thí điểm thử nghiệm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (Điều 16), Ủy ban KH,CN&MT cho rằng cần thiết, tuy nhiên, đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về chính sách hỗ trợ dự án công nghiệp công nghệ số chiến lược có tính chất đặc biệt (Điều 17), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cân nhắc vì chính sách này hiện đang được quy định ở dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, để phát huy hiệu quả thì cần có thời gian đủ dài; làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ tối đa; không quy định tên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong Nghị quyết; bổ sung quy định đầu tư từ ngân sách Trung ương để xây dựng các phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung.
Về điều khoản thi hành (Chương IV), đề nghị làm rõ thời điểm hết hiệu lực của Nghị quyết (Điều 18); Rà soát khoản 2 Điều 19 để tránh trục lợi chính sách; Bổ sung trách nhiệm thanh tra, kiểm tra; Hoàn thiện quy định chuyển tiếp về áp dụng ưu đãi đối với dự án đang thực hiện, nguyên tắc xử lý trường hợp pháp luật hiện hành quy định ưu đãi hơn so với dự thảo Nghị quyết này.
Sau cùng, Ủy ban KH,CN&MT đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Kỳ họp bất thường thứ 9. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có).
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết, tập trung vào cáo nội dung như: Cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết; Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Nghị quyết; Sự phù hợp và tính khả thi của các cơ chế, chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; thời điểm có hiệu lực và thời gian thí điểm của Nghị quyết…
Quý Anh – Linh Anh
Theo