(Xây dựng) - Với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản. Hiện tượng “sốt” đất ảo tại một số khu vực trong thời gian vừa qua đã được ngăn chặn và xử lý nghiêm, giúp thị trường dần ổn định trở lại.
Cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, Bình Phước vào tháng 2/2021 đến và tan rất nhanh (Ảnh: Việt Hoa). |
“Cắt sốt” bất động sản
Sau Tết Nguyên đán, bất động sản nhiều khu vực trên cả nước có dấu hiệu sôi động trở lại. Các chuyên gia nhận định, việc giá đất tăng tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận,... khi các địa phương này đều có lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp, những Khu công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương xây dựng, tạo ra hệ sinh thái, dẫn tới giá đất tăng là dựa trên nhu cầu thật. Cùng với đó, những dự án có đủ pháp lý, vị trí thuận tiện và khu vực phát triển, đầu tư hạ tầng đồng bộ giá đất còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thị trường xuất hiện một nghịch lý, đó là tại một số khu vực trên địa bàn cả nước như: Thành phố Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất…), Thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức), thành phố Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),... khi mới chỉ có thông tin quy hoạch, dự án, giá đất liên tục tăng đột biến gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây trong thời gian ngắn, thậm chí kỳ vọng tăng gấp nhiều lần sau khi chính thức có quy hoạch, đã tạo ra những “cơn sốt” đất ảo tại địa phương.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, thủ phạm chính của các đợt “sốt” đất, “sốt” giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.
Những “cơn sốt” đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Trước hiện tượng “sốt” đất, giá đất tăng chóng mặt, xuất hiện nhiều nơi từ Bắc vào Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng “sốt” đất ảo ở một số địa phương. Kết quả theo ghi nhận, từ tháng 4/2021, nhiều nơi đã có dấu hiệu dứt “cơn sốt” đất. Không còn những khung cảnh nhộn nhịp, hàng loạt các đoàn xe ô tô, người mua kẻ bán tấp nập như thời gian trước.
Theo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2021 của Bộ Xây dựng, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Tổng cục Quản lý Đất đai đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng “sốt” đất, trong đó có yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng “sốt” đất có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giải pháp ngăn chặn “sốt đất” ảo tái phát
Tuy nhiên, một trong những xu hướng đáng chú ý nhất tại Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra là dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư luôn “mặn mà” với phân khúc đất nền khi đánh giá đây là nơi trú ngụ an toàn của dòng tiền, do vậy cần luôn cảnh giác trước sự tái diễn của hiện tượng “sốt” đất này.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, về giải pháp ngăn chặn “sốt” đất trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương cần tập trung hoàn thiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch, chú ý tới các dự án phát triển đô thị, nhà ở, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đảm bảo đầy đủ các tính pháp lý cho các dự án bất động sản.
Các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất và trục lợi.
Các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, phân lô và bán đất nền ở các khu vực chưa được phép đầu tư; Quản lý tốt hoạt động mua đi bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, các dự án “ma”, các dự án không đủ hồ sơ pháp lý kinh doanh bất động sản…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư bất động sản, nhất là các thủ tục về giao đất, đầu tư và xây dựng để các dự án đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.
Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Do công tác quản lý thị trường bất động sản được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn.”
Được biết, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi cũng đã lập kế hoạch kiểm tra vấn đề quản lý đất đai tại 26 tỉnh, thành phố trong thời gian tới.
Từ phía Ngân hàng Nhà nước cho hay: Đối với lĩnh vực bất động sản, ngành Ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực này trong thời gian qua. Việc kiểm soát dòng tiền vào bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và thường xuyên đưa ra cảnh báo.
Nhìn chung, hiện tượng “sốt” đất có thể bùng phát trở lại, bên cạnh các giải pháp mạnh mẽ của các bộ ngành, chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ pháp lý đất đai để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những “cơn sốt” ảo.
Huyền Lê
Theo