(Xây dựng) - Tuần qua, Nghị sĩ Graham Stuart đã chính thức sang thăm Việt Nam lần đầu tiên với tư cách là Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhằm kỷ niệm quan hệ hợp tác thương mại song phương ngày một phát triển giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực từ giáo dục, năng lượng tái tạo tới cơ sở hạ tầng, tài chính và công nghệ xanh.
Lễ ký kết biên bản ghi nhỡ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh. |
Bắt đầu chuyến thăm chính thức của mình tại Hà Nội vào sáng 5/4, Đặc phái viên Stuart đã có cuộc gặp cấp cao với Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thông qua việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVFTA) và Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại (JETCO). Trong cuộc gặp, Đặc phái viên Stuart đã hoan nghênh những thành công đáng kể của Hiệp định UKVFTA. Kể từ khi được phê chuẩn từ đầu năm ngoái, Hiệp định UKVFTA đã thúc đẩy tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương năm 2021 cao gấp 3 lần so với năm 2010 (1,8 tỷ bảng Anh năm 2010 và 5,4 tỷ bảng Anh năm 2021). Giáo dục là một trong những chủ đề trọng tâm của chuyến thăm.
Vào ngày 4/4, Đặc phái viên Stuart đã tham dự lễ khánh thành trường Reigate Grammar School Vietnam - trường tư thục mang thương hiệu Vương quốc Anh đầu tiên tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông cũng nhấn mạnh trình độ chuyên môn và uy tín quốc tế của nền giáo dục Anh, đồng thời chia sẻ rằng giáo dục vẫn là ưu tiên cốt lõi và là trụ cột trung tâm của Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2010.
Vào ngày 5/4/2022, Đặc phái viên Stuart đã cùng với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác song phương trong việc đào tạo kỹ năng và dạy nghề.
Tiếp tục chuyến thăm tại Việt Nam, Đặc phái viên Stuart đã đến Thành phố Hồ Chí Minh để họp và làm việc với các lãnh đạo của thành phố cũng như gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Anh tại đây. Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Đặc phái viên Stuart đã tái khẳng định tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại và đầu tư của Việt Nam và cũng là điểm đến đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Anh. Ông cũng chúc mừng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về những nỗ lực trong việc mở cửa thành phố trở lại, và cũng bày tỏ rằng Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ các mục tiêu phát triển trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc phái viên Stuart đã gặp gỡ nhiều công ty của Vương quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cơ sở hạ tầng, xây dựng và công nghệ.
Các công ty của Vương quốc Anh đã và đang tham gia vào nhiều dự án trên khắp Việt Nam, bao gồm tòa nhà Landmark 81 mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những tòa nhà cao nhất châu Á. Đặc phái viên Stuart khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm thải carbon trong môi trường xây dựng, thông qua các tiêu chuẩn xây dựng cao cùng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đặc phái viên Stuart cũng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể của việc hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, nhằm thúc đẩy mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường vốn, y tế số, thành phố thông minh, tài chính xanh và năng lượng tái tạo. Trong suốt chuyến thăm, Đặc phái viên Stuart đã chứng kiến một số Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các đối tác Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ và sâu sắc của mối quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Tăng trưởng sạch cũng là chủ đề chính của chuyến thăm. Đặc phái viên Stuart hoan nghênh mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam, được Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tại Hội nghị COP26. Ông cũng khuyến khích Việt Nam thiết lập một kế hoạch hành động cụ thể cho những cam kết đó và thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bao gồm cả việc giải quyết nhanh chóng các rào cản thương mại để thúc đầy tiềm năng đáng kể của Việt Nam trong việc sản xuất năng lượng tái tạo.
Đặc phái viên Stuart hoan nghênh những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giới thiệu cơ sở hạ tầng xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trực tiếp trải nghiệm dự án xe đạp mới của TNGO và xe điện VinBus. Các doanh nghiệp Vương quốc Anh đã và đang tích cực tham gia vào lĩnh vực tăng trưởng sạch tại Việt Nam, đặc biệt là phát triển điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Vương quốc Anh có chuyên môn hàng đầu thế giới.
Trong suốt chuyến thăm tại Việt Nam, Đặc phái viên Stuart đã nhấn mạnh rằng chuyên môn của Vương quốc Anh sẽ là động lực chính cho tham vọng tăng trưởng sạch của Việt Nam. Để kết thúc chuyến thăm, ngày 8/4, Đặc phái viên Stuart đã đến thăm Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm ở khu vực miền Nam của Việt Nam. Trong cuộc gặp chính thức với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn, Đặc phái viên Stuart đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Ông rất vui khi biết nhiều ưu tiên phát triển kinh tế của thành phố phù hợp với các thế mạnh của Vương quốc Anh như năng lượng, giáo dục, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đặc phái viên Graham Stuart đã chia sẻ: “Việt Nam là đối tác quan trọng trong chương trình nghị sự thương mại của Vương quốc Anh và là mục tiêu trọng tâm của Anh tại khu vực ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn bền chặt bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế đạt 2.6% vào năm 2021 là một thành tựu vô cùng tích cực của Việt Nam và thể hiện mức độ ổn định kinh tế vượt xa các tiêu chuẩn toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam có nền kinh tế vô cùng năng động. Theo số liệu thống kê mới nhất của Vương quốc Anh, tổng thương mại giữa Anh và Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Tôi tin rằng tiến độ này sẽ tiếp tục tăng bởi 65% tất cả các loại thuế quan đã được loại bỏ nhờ Hiệp định UKVFTA. Con số này sẽ tăng lên 99% khi Hiệp định UKVFTA được thực thi đầy đủ. “Việt Nam đã cam kết cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Tôi kỳ vọng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư Vương quốc Anh. Thương mại quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và tôi mong muốn có thể hỗ trợ Vương quốc Anh và Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhau”, Đặc phái viên nhận định.
UKVFTA: Vương quốc Anh và Việt Nam có mối quan hệ thương mại song phương bền chặt, tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2021 cao gấp 3 lần so với năm 2010 (1.8 tỷ bảng Anh năm 2010 và 5.4 tỷ bảng Anh năm 2021) – với các cam kết chiến lược chung về thương mại toàn cầu, dòng vốn và đầu tư tự do. Hiệp định Thương mại Tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2021, đảm bảo khả năng tiếp cận lộ trình cắt giảm thuế quan theo từng giai đoạn giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Hiệp đinh có quy mô thương mại đạt 5.4 tỷ bảng Anh (năm 2021), cung cấp một nền tảng tối ưu, phát triển thương mại và đầu tư. Thỏa thuận ngay khi ký kết vào tháng 1 năm 2021 đã bao gồm 65% thuế quan được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh. Con số này sẽ tăng lên 99% sau sáu năm hiệp định được thực thi. JETCO: Mối quan hệ ngoại giao kinh tế và thương mại bền chặt của Việt Nam và Vương quốc Anh được thể hiện thông qua chương trình họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại (JETCO) hàng năm. Ủy ban JETCO năm nay sẽ do Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh, Penny Mordaunt chủ trì vào tháng 5/2022 tại London. JETCO một lần nữa sẽ mang đến cơ hội tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai nước trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt như năng lượng tái tạo, dược phẩm, giáo dục, nông nghiệp và dịch vụ tài chính.
Đặng Ngân
Theo