Thứ bảy 21/12/2024 19:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng

11:19 | 11/10/2024

(Xây dựng) – Ngày 10/10, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Viện Vật liệu Xây dựng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Sinoma (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị chuyên đề về Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng.

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Giảm tiêu hao năng lượng là xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp xi măng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những năm gần đây. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung.

Sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/08/2024 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng. Một trong các giải pháp được nhiều doanh nghiệp xi măng quan tâm trong thời gian qua là đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm và giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất.

Hiện tại, cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất khoảng 122 triệu tấn/năm, nhưng việc đầu tư chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, cả nước mới có 34 dây chuyền sản xuất clinker đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải lò nung xi măng đi vào hoạt động. Việc đầu tư công nghệ này có thể giúp tiết kiệm từ 25% - 30% chi phí điện năng. Tuy nhiên, 2/3 dây chuyền xi măng trên cả nước vẫn chưa được đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải, dẫn đến sự thất thoát năng lượng rất lớn.

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải làm sao để giảm tiêu hao năng lượng và một trong những giải pháp hàng đầu là đầu tư đổi mới công nghệ. Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng.

34 dây chuyền lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư

Tại Hội nghị, đại diện của Vụ Vật liệu Xây dựng đã giới thiệu về tình hình hoạt động của ngành Xi măng Việt Nam. Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, cả nước đang có 92 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất khoảng 122 triệu tấn/năm. Sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 60 – 65 triệu tấn/năm, xuất khẩu khoảng 30 – 35 triệu tấn/năm. Mức tiêu thụ điện năng trung bình cho khâu sản xuất clinker khoảng 60 kWh/tấn, cho khâu nghiền xi măng khoảng 34 kWh/tấn. Mức tiêu thụ nhiệt năng toàn ngành dao động trong khoảng 724 – 1.065 kcal/kg clinker.

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng Lê Trung Thành phát biểu tại Hội nghị.

Nhiên liệu sử dụng chính là than cám có nhiệt trị từ 4.800 đến 6.200 kcal/kg than. Tuy nhiên, đã có một số nhà máy sử dụng nhiên liệu thay thế. Các loại nhiên liệu thay thế trong nhà máy xi măng chủ yếu là vải vụn, mảnh nhựa, ni-lon, cao su vụn, dăm gỗ, lốp xe, da giày, nhựa, rác thải, bã điều, vỏ cây, trấu, dầu thải và các dung môi...

Cả nước đã có 34 dây chuyền đầu tư lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống phát điện nhiệt dư với tổng công suất khoảng 248 MW, chủ yếu là các nhà máy xi măng của khối doanh nghiệp tư nhân và liên doanh. Lượng phát thải tại Việt Nam khoảng 60.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó có 60% là rác thải sinh hoạt. Chủ yếu rác thải sinh hoạt được xử lý chôn lấp, mặc dù đã có các nhà máy điện rác.

Tuy nhiên, rác thải sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy xi măng hiện nay chủ yếu là rác thải công nghiệp. Cả nước vẫn chưa có nhà máy xi măng nào sử dụng rác thải sinh hoạt để đốt. Theo báo cáo của Vụ Vật liệu Xây dựng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành Xi măng và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

VICEM đi đầu trong đổi mới công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ phát điện tận dụng nhiệt khí thải và sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy xi măng.

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng
Đại diện của VICEM chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ phát điện tận dụng nhiệt khí thải trong nhà máy xi măng.

Đại diện của VICEM khẳng định, mục tiêu của chiến lược áp dụng công nghệ phát điện tận dụng nhiệt khí thải là tận dụng nhiệt thừa để phát điện tại các dây chuyền sản xuất xi măng nhằm tự cung cấp một phần điện tiêu thụ, đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2.

Nguồn điện phát ra được hòa đồng bộ vào lưới điện của các nhà máy. Hệ thống trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải được thiết kế, lắp đặt không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành bình thường của dây chuyền sản xuất clinker.

Hiện nay, VICEM có 9/10 công ty thành viên sản xuất xi măng phải triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (hệ thống WHR). Theo tính toán, các dự án tận dụng nhiệt khí thải đang triển khai có tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 71,45 MW, tổng công suất phát điện dự kiến khoảng 63,4 MW. Trong khi đó, mục tiêu của chiến lược sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế là đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn để sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và giảm phát thải ra môi trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, VICEM đã nghiên cứu xử lý chất thải sinh hoạt và sử dụng chất thải thông thường làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy sản xuất xi măng. Kết quả là VICEM đang áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng tại các đơn vị thành viên, thu về năng suất rất cao.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, VICEM đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành đối với việc xử lý chất thải, đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng; Xem xét từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải. Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia của Tập đoàn Sinoma đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng tại Trung Quốc.

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng
Đại diện của Tập đoàn Sinoma chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng tại Trung Quốc.

Trong phần thảo luận, các chuyên gia của Sinoma đã trả lời các câu hỏi: Hệ thống khử Clo có khử được SO2 không? Nhiệt trích ra từ buồng khói có sử dụng cho hệ thống phát điện không? Chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý rác thải trong lò nung xi măng là bao nhiêu? Việt Nam nên sử dụng rác thải trong lò nung xi măng hay nhà máy điện rác? Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng những cơ chế ưu đãi nào cho nhà máy xi măng áp dụng công nghệ đồng xử lý để đốt rác thải sinh hoạt? Quy trình kỹ thuật để xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào lò nung xi măng? Giải pháp xử lý chất thải phát sinh từ quá trình đốt rác trong lò nung xi măng? Đốt rác ở vị trí nào trong lò nung xi măng?...

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga cho rằng, để thúc đẩy áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng tại Việt Nam, có 2 vấn đề cần làm rõ, một là tìm hiểu đường đi của rác thải sinh hoạt, hai là trả lời câu hỏi nên sử dụng rác thải cho nhà máy xi măng hay nhà máy điện rác. Ngoài ra, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng mong muốn VICEM đẩy nhanh việc chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện.

Tăng cường chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề về Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng Lê Trung Thành khẳng định, việc chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu tại các nhà máy xi măng ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, VICEM có thể được xem là đơn vị đi tiên phong tại nước ta trong chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong nhà máy xi măng.

Để thúc đẩy việc sử dụng rác thải sinh hoạt trong các nhà máy xi măng, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp xi măng cần tập trung đầu tư triển khai các dự án chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu. Các đơn vị nghiên cứu cần đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và sử dụng rác thải trong nhà máy xi măng.

Dịch Phong – Diệu Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load