Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về diễn biến cơn bão số 3 (Yagi), công tác chuẩn bị ứng phó tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, nhất là 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, dôn đốc sát sao, thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy "4 tại chỗ" kịp thời, chính xác, phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng phó với bão số 3.
Theo dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 14h ngày 5/9, bão số 3 đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500 km về phía đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.
Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.
Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định, bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Khoảng đêm mùng 6/9, bão số 3 sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8 m.
Từ gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2-3 m, sau tăng lên 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5-1,8 m.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bản tin, thông tin dự báo bão phải cụ thể, dễ hiểu, đơn giản để người dân chủ động phòng tránh; tăng cường các bản tin dự báo, thường xuyên trao đổi, làm việc với trung tâm dự báo các nước - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Cảnh báo mưa lớn, ngập lụt diện rộng
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150 mm.
Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người, trong đó có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ di chuyển vào bờ, tránh trú bão.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; Ninh Bình cấm biển từ 13h ngày 5/9.
Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản có nguy cơ bị thiệt hại rất cao khi bão vào vịnh Bắc Bộ. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thuỷ sản.
Trên các đảo của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.231 du khách và đã nhận được thông tin về bão, chủ động phương án ứng phó.
Về công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, hồ Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17 (vượt mức thiết kế). Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý.
Tại các địa phương còn 15.000 ha lúa Hè Thu, 958.000 ha lúa mùa đang trỗ-chín sữa, phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.
Khẩn trương, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ
Lãnh đạo TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình đang tiếp tục kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão; không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo; sơ tán người dân và khách du lịch trên các đảo đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong quá trình lưu trú.
Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nỗ lực giảm thiểu số du khách còn lưu trú tại các đảo ven bờ khi bão đổ bộ, sơ tán người dân ở trên lồng bè, tàu thuyền neo đậu tại bờ.
Những vị trí đê biển xung yếu có nguy cơ mất an toàn đang được các địa phương khẩn trương gia cố, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.
Các địa phương đã xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tuỳ theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố, chằng chống nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện, cột tháp truyền hình, phát thanh, cẩu tháp,...; khơi thông dòng chảy, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất diện tích nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Những tỉnh miền núi phía Bắc, như Cao Bằng, Hà Giang đã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa đã đầy nước, hồ thủy lợi xung yếu khu vực miền núi phía Bắc; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải tận dụng khoảng thời gian quý giá trước khi bão số 3 đổ bộ, hành động khẩn trương, chuẩn bị mọi phương án ứng phó với tinh thần "không hối tiếc", giảm thiểu thấp nhất tổn thất về người, thiệt hại tài sản, các công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, dôn đốc sát sao
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bản tin, thông tin dự báo bão phải cụ thể, dễ hiểu, đơn giản để người dân chủ động phòng tránh; tăng cường các bản tin dự báo, thường xuyên trao đổi, làm việc với trung tâm dự báo các nước.
Nhấn mạnh phương châm chủ động phòng ngừa, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai tất cả các biện pháp, nhất là 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, dôn đốc sát sao, thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động.
Với vùng hoàn lưu rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương phải chuẩn bị ứng phó với mưa lớn sau bão, tình trạng ngập lụt tại các đô thị, khu dân cư, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ.
Theo Minh Khôi/BaoChinhphu.vn
Link gốc: https://baochinhphu.vn/tan-dung-khoang-thoi-gian-vang-ung-pho-voi-bao-so-3-102240905172103832.htm