Thứ ba 10/09/2024 20:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Sơn Tây, hãy cứ là thị xã!

06:00 | 25/01/2017

(Xây dựng) - Tôi sinh ra và lớn ở đất Sơn Tây vào những năm đất nước vừa thống nhất. Khi ấy, Sơn Tây quê tôi cũng nghèo nhưng vẫn là trung tâm kinh tế văn hóa của các huyện, thị trấn xung quanh. Bởi trong kháng chiến, Sơn Tây không phải là vùng có chiến sự nên nhà cửa, đường sá, các công trình văn hóa, tâm linh không bị phá hủy, thị xã vẫn còn nguyên vẹn. So với một số thị xã khác thì Sơn Tây là nơi có đường phố, nhà cửa đàng hoàng hơn cả và nó mang dáng vẻ trầm mặc, bình yên với những căn nhà cấp 4 nép mình dưới những tán bàng sum suê, xanh mướt.


Thành cũ Sơn Tây.

Tôi còn nhớ, khi nhiều vùng quê quanh Sơn Tây chưa có điện, dùng nước giếng khơi thì Sơn Tây đã có điện, đường phố có đèn chiếu sáng, đã có nước máy để dùng dù phải xếp hàng hứng gánh nước từ sáng sớm, dù là mùa đông hay mùa hè. Sơn Tây quê tôi còn có chợ Nghệ, đó là một “trung tâm thương mại” với đầy đủ các mặt hàng, là đầu mối giao thương của cả xứ Đoài. Quê tôi lúc ấy đã có một rạp chiếu phim dù nhỏ nhưng tối nào cũng chiếu, không khác mấy so với Hà Nội và Hà Đông, lại có thêm Nhà hát nhân dân nằm ở phố Phan Chu Trinh, nơi những đứa trẻ như tôi hồi đó chờ đợi giờ “tháo khoán” để được vào xem miễn phí các vở cải lương, kịch nói dù khi vào được thì chỉ còn một nửa buổi diễn, ấy vậy đó vẫn là niềm vui của quá khứ và hiện tại.

Nhắc tới Sơn Tây quê tôi, hầu như ai cũng biết tới Thành cổ, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), được xây bằng đá ong của Việt Nam có diện tích 16ha với kiến trúc độc đáo, tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ, xung quanh là hào nước sâu 3m, rộng 20m. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay. Năm 1994 Thành cổ Sơn Tây đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quân sự đã thu hút khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu.

Với những ai đã và đang sống ở Sơn Tây thì Thành cổ gắn liền với cuộc đời họ bằng nhiều cách khác nhau. Chú tôi kể, có những lúc cần sự tĩnh lặng, chú đã tìm tới quán nước bên đường, hướng mắt sang Thành cổ ngắm nhìn vạn vật nơi đây, thấy lòng mình nhẹ nhõm và bình an đến lạ, mọi muộn phiền, mệt mỏi đều tan biến hết. Còn với nhiều người trẻ, thì Thành cổ là nơi gặp gỡ bạn bè, cùng nhau dạo vòng quanh hồ, chụp ảnh, những buổi tối trà đá vỉa hè, rồi những đêm 30 Tết xem bắn pháo hoa… Tất cả đã tạo nên tình yêu với mảnh đất lộng gió và mây trắng này.

Trong tiết trời se lạnh, bên ấm trà, chú cháu tôi lan man chuyện Sơn Tây từ cổ tới kim. Chú trầm ngâm hỏi: Liệu Sơn Tây quê mình có là thành phố lần nữa không? Năm 1965 hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được sáp nhập lại thành tỉnh Hà Tây, khi đó Sơn Tây là một trong 2 thị xã của Hà Tây. Năm 2007 Sơn Tây được “lên đời” thành Thành phố. Nhưng rồi trải qua các cuộc hợp - tách, năm 2009 khi sát nhập vào Hà Nội, Sơn Tây quay lại làm thị xã. Tôi đáp lời chú bằng câu hỏi: Là người dân sinh ra và gắn bó với Sơn Tây gần hết cuộc đời, chú thấy quê mình nên là thị xã hay thành phố? Lặng hồi lâu, chú nói: Có lẽ thị xã là hay hơn con ạ!

Ừ! Thôi, hãy cứ là thị xã! Như thế mới phù hợp với tầm vóc và tên gọi của mình. Như thế không phải muốn Sơn Tây “dậm chân tại chỗ” mà vì quê mình cũng đô thị hóa nhanh, mạnh mẽ như nhiều đô thị khác thì khó giữ được vẻ đẹp cổ kính, sự bình yên với những con phố rợp bóng cây xanh, những hàng liễu xanh rủ bóng ven hồ, những hàng dừa nghiêng mình trên phố, những hàng xà cừ cổ thụ, hàng hoa sữa thơm nức lòng ai... Những điều đó níu giữ tình yêu của các lớp thanh niên, dù có đi bốn phương trời thì tình yêu Sơn Tây vẫn thường trực và thôi thúc họ trở về sau những mệt mỏi đời thường. Hơn nữa, Sơn Tây còn có rất nhiều điểm du lịch, nghề truyền thống và ngay chính khung cảnh phố thị hiện nay cũng đã thu hút khách du lịch tới thăm. Với những giá trị hiện có có thể làm “vốn” để Sơn Tây phát triển mà vẫn được bảo tồn.

Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load