(Xây dựng) - Sau 10 năm triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động, quyết liệt trong việc khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN.
Một đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung với công nghệ hiện đại tại tỉnh Sơn La. |
Hiện nay, tỉnh Sơn La có tổng số 11 doanh nghiệp, đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN với công nghệ sản xuất, tạo hình chủ yếu là ép tĩnh và rung ép. Tổng công suất thiết kế đạt khoảng 122,6 triệu viên QTC/năm.
Các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện sử dụng gạch không nung theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, ban hành công văn chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện quy định sử dụng VLXKN ngay từ khâu thiết kế, thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Nhiều địa phương trong tỉnh đạt tỷ lệ sử dụng 100% VLXKN trong tổng thể tích khối xây của công trình xây dựng vốn ngân sách Nhà nước như: Thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Vân Hồ… 12/12 huyện, thành phố đã hoàn thành việc xóa bỏ các lò gạch đất nung thủ công sử dụng công nghệ lạc hậu.
Trên thực tế, địa phương gặp không ít khó khăn do các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng vẫn chưa được thực hiện. Nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện lập dự án đầu tư trước khi đi vào sản xuất, do đó gặp khó khăn trong việc áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, các hỗ trợ khác về ưu đãi đầu tư theo quy định. Một số địa phương chưa có giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Về sản xuất, do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh ngiệp chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt. Giai đoạn đầu đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo đầy đủ; các nhà máy vừa sản xuất vừa điều chỉnh nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định; công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đối với gạch bê tông, kích thước gạch không nung nhỏ, không phát huy được lợi thế tăng năng suất và giảm chi phí thi công. Mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu chưa phù hợp với thị trường. Nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, một số sản phẩm đưa ra tiêu thụ trên thị trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn gây tác động tiêu cực trong cách nhìn nhận của người sử dụng về VLXKN nói chung.
Về sử dụng, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN, chưa nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định của Nhà nước. Đặc biệt là đối với gạch bê tông khí chưng áp (AAC), là sản phẩm nhẹ, cách âm cách nhiệt, có nhiều tính năng ưu việt. Sản phẩm này khi sử dụng cần có những yêu cầu đặc thù về kỹ thuật, về quy trình thi công. Tuy nhiên nhiều đơn vị thi công chưa tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật nên khi sử dụng đã gây ra các khuyết tật nứt rạn làm ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng sản phẩm, lòng tin của người sử dụng.
Để tháo gỡ khó khăn cho tình trạng hoạt động sản xuất và tiêu thụ VLXKN, ông Nguyễn Đức Luyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La chia sẻ: Sở Xây dựng thường xuyên tổ chức khảo sát, ban hành công bố giá vật liệu xây dựng theo từng quý, trong đó chú trọng đến các chủng loại VLXKN của các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện quy định sử dụng VLXKN ngay từ khâu thiết kế, thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn, kiến trúc sư ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đẩy mạnh sử dụng VLXKN, hạn chế sử dụng gạch đất nung. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng gạch không nung sản xuất và lưu thông trên thị trường cũng như trước khi đưa vào các công trình xây dựng.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung DmCline D8 tại Nhà máy của Công ty Cổ phần VLXD I Sơn La. |
Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 567 trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm VLXKN và công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng VLXKN. Tăng cường tuyên truyền để các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và người dân hiểu hết những lợi ích của VLXKN như cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình, từ đó có ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về việc thực hiện theo quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng tại các địa phương trong tỉnh.
Mai Thu - Quế Phượng
Theo