(Xây dựng) – Theo các chuyên gia nhận định, thành phố Hà Nội đã và đang quyết liệt chỉ đạo trong việc ban hành 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử. Dù còn nhiều thách thức, nhưng việc ban hành quy hoạch phân khu nội đô sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực phát triển Thành phố Hà Nội.
6 quy hoạch phân khu sẽ sớm được phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I/2021. |
Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương và giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, ký ban hành 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Trước đó, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội trình bày quá trình hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử gồm 6 đồ án quy hoạch có ký hiệu là H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: Cả 6 đồ án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật, cụ thể là phù hợp với toàn bộ quy hoạch cấp trên, các quy định, quy chế quản lý quy hoạch. UBND Thành phố đã có Văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ như về tiêu chuẩn, quy chuẩn; chiều cao công trình; khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận... Trong khi đó, đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Để có cái nhìn rõ hơn về tác động của việc ban hành quy hoạch phân khu đến sự phát triển của thành phố, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định: Quy hoạch phân khu khi được ban hành, áp dụng vào thực tiễn sẽ tháo điểm nghẽn để phát triển Thành phố.
Sau quy hoạch chung Thành phố được duyệt năm 2011, theo kế hoạch, Hà Nội phải hoàn thành 35 quy hoạch phân khu. Nhưng đến cuối 2019, mới chỉ làm được 26 quy hoạch phân khu, còn 9 quy hoạch phân khu chưa triển khai được.
Hầu hết các khu vực trên đều đã được thông qua nhiệm vụ thiết kế từ 2010, 2011 nhưng còn những phức tạp trong mục tiêu hoặc khó khăn trong triển khai nên chưa ban hành quy hoạch phân khu. Đặc biệt, ý kiến về giải pháp quy hoạch còn có nhiều tồn tại, và nổi rõ lên ở cả 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.
Các quy hoạch phân khu đều được nghiên cứu từ nhiều năm nay, lần này có những điều chỉnh theo yêu cầu của mở rộng Hà Nội với mục tiêu mới xanh – văn minh – hiện đại. Cả 6 quy hoạch phân khu đều nằm trong nội đô, theo định hướng phát triển sẽ trở thành khu vực đô thị lõi Hà Nội – mang dấu ấn phát triển của Thủ đô, nên cần nghiên cứu cẩn trọng.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: Khi có định hướng quy hoạch phân khu sẽ tạo cơ sở pháp lý để hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch tích hợp.
Nói riêng về những điểm còn tồn tại ở từng quy hoạch phân khu, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ: Quy hoạch H1-1A do thành phố phê duyệt nhiệm vụ từ năm 2010, sau đó có sự tham gia góp ý của người dân, chuyên gia các tổ chức xã hội. Trước đó, quy hoạch khu vực này đã được phê duyệt từ năm 1995, tuy nhiên, qua 20 năm đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại như: dân số, giãn dân, bảo tồn kiến trúc đặc thù khu phố cổ và di tích lịch sử.
Về quy hoạch khu vực Hồ Gươm và phụ cận (được phê duyệt năm 1996), đây là khu vực đặc thù, đã thành lập các cơ quan để quản lý. Nếu quy hoạch phân khu được duyệt, nơi đây sẽ khai thác được lợi thế cảnh quan đặc thù của Hà Nội – Hồ Gươm được ví như “trái tim của trái tim”.
Quy hoạch H1-1C là phần còn lại của quận Hoàn Kiếm, trong đó có một số khu vực phố cũ và ngoài đê chân cầu Long Biên, Chương Dương. Khu vực này có mối liên kết với khu phố cũ. Vấn đề khai thác cảnh quan trục ven sông Hồng rất quan trọng. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho trung tâm – bến bãi xe, mở rộng 1 số tuyến đường kết nối. Nếu quy hoạch phân khu được ban hành sẽ xử lý được một số tồn tại và phát triển quỹ đất.
Ngoài ra, quy hoạch quận Đống Đa và phường Nguyễn Du được đánh giá là khu vực mang đậm dấu ấn của đan xen giữa phát triển mới – phố Cát Linh, Hoàng Cầu… và của khu phố cũ – phố Khâm Thiên. Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều chung cư cũ đang “tắc” trong việc đầu tư xây dựng và sẽ sớm được tháo gỡ nếu ban hành quy hoạch phân khu trong quý I/2021.
Quy hoạch phân khu quận Hai Bà Trưng nằm hoàn toàn là khu phố cũ. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra những tồn tại ở khu vực này như: dân số gia tăng đáng kể; nhiều cơ sở, trụ sở phải di dời – vậy quỹ đất đó định hướng chuyển thành công trình công cộng như thế nào, lộ trình ra sao cũng cần được nêu rõ trong quy hoạch phân khu.
Quỹ đất 2 bên sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển hạ tầng. |
Trải qua 25 năm nghiên cứu với hàng loạt dự án, đến nay, khu vực sông Hồng chính thức được quy hoạch phân khu với các định hướng rõ ràng, cụ thể. Việc thống nhất các định hướng lớn vào quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ đáp ứng được sự ủng hộ và mong chờ của nhân dân, là đem lại sinh kế cho nhân dân, huy động được nguồn lực rất quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội.
Có thể thấy, đây là những quy hoạch cực kỳ quan trọng, khi ban hành sẽ sớm sẽ có công cụ quản lý các quận nội đô lịch sử. Đồng thời, tạo ra mục tiêu kép – hoàn thiện đồ án quy hoạch chung và tạo cơ sở lập quy hoạch tích hợp theo hướng mới.
Lần này, Thành phố quyết tâm sớm hoàn thiện để phê duyệt vì đã hơn 10 năm trôi qua, nếu không có quy hoạch phân khu sẽ không có công cụ định hướng phát triển thành phố, đồng thời giải quyết bức xúc hiện nay cho người dân. Dù còn nhiều thách thức lớn và cần kiên quyết thực hiện nhưng tôi khuyến cáo thành phố không nên vội vàng ban hành quy hoạch phân khu để phải điều chỉnh – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.
Như vậy sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Diệu Anh
Theo