Thứ ba 05/11/2024 07:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Sa Pa xưa - còn đâu?

10:40 | 14/07/2022

(Xây dựng) - Tôi luôn nhớ thương vùng đất Sa pa của tuổi thơ mình, nhưng cứ phải là hình ảnh Sa pa của những ngày xa xưa! Ngày ấy, tôi từng sống ở đó khi mới lên năm tuổi. Ký ức tuổi thơ non nớt vẫn còn đọng lại những ấn tượng trong trí nhớ lúc đầu đời.

sa pa xua con dau

Một Sa Pa xinh đẹp, trong trẻo, đơn sơ và thuần khiết. Dẫu biết rõ người ta không bao giờ có thể quay trở về quá khứ với những hình ảnh xa xưa được nữa nhưng tôi vẫn thầm mong giữ lại một phần Sa Pa của ngày xa xưa.

Ngày ấy, thị trấn Sa Pa khá bé nhỏ. Vẻ đẹp sương khói, ảo huyền bởi thứ sương mù quanh năm quấn quện cùng với tầng tầng mây trắng. Nét đẹp vừa mơ màng, quyến rũ, lại vừa ảo diệu, hoang sơ. Nắng lấp lánh trên những con đèo. Một thị trấn nho nhỏ với những nếp nhà chênh vênh nơi vách núi và đặc biệt luôn bát ngát, trập trùng màu xanh. Màu xanh thẫm của núi, màu xanh tươi của cây, màu xanh đen của những sắc áo chàm và màu xanh non tơ của lúa nương, quện với màu xanh hư ảo của từng đàn mây dập dìu bay xuống núi.

Sa Pa luôn khoác trên mình tấm voan hoa mùa xuân. Tấm voan được đất trời thêu dệt, cứ thả dài tha thướt. Ngoài kia là trập trùng những rặng núi cao vút, xanh thẫm. Núi lầm lì, nằm chen vai xếp hàng, núi lặng lẽ bao bọc, ôm ấp, vây quanh Sa Pa. Ngay giữa trung tâm thị trấn Sa Pa ngày đó, nhà cửa cũng khá thưa thớt. Sự yên tĩnh và không khí thiên nhiên hoang sơ tràn ngập.

Những ngôi nhà sàn giản dị, be bé, nhìn xinh xinh, có lẽ thị trấn Sa Pa ngày ấy chỉ có khoảng chừng vài chục nóc nhà, nếu đứng cao lắm cũng chỉ nhấp nhô nơi triền núi. Mãi sau này, có lẽ vào những năm 2000 - 2010 trở đi thì những khách sạn lớn có tên tuổi mới được xây dựng và ngày càng hiện đại hơn. Những khách sạn lưng dựa núi với mây trắng vờn quanh ngay trên lưng chừng núi.

Trong bức tranh thiên nhiên lộng lẫy và hữu tình ấy, ta chỉ thấy Sa Pa là mênh mang mây trắng, núi xanh, hòa với sắc màu rực rỡ, non tươi ngập tràn. Màu xanh của cây lá thiên nhiên quện với nắng vàng, mây trắng, với gió núi và hương hoa. Mà hoa ở Sa Pa vốn mang theo vẻ đẹp nổi tiếng ở xứ lạnh. Bao loài hoa phong lan luôn nở rạng ngời dưới cái lạnh giá tê buốt mùa đông. Đó còn là các loại hoa được trồng trong các khu vườn như hoa hồng, pangse, các loại hoa laydon, các loại hoa thược dược…

Buổi sáng sớm ở Sa Pa thường giá lạnh, nhất là mùa đông. Mãi gần trưa mới có chút nắng lên. Buổi trưa, khi có thêm chút nắng, bầu trời ấm dần. Chiều về, Sa Pa đẹp u buồn, nàng ấy mang vẻ đẹp cổ điển, cái đẹp tựa như người đàn bà cổ xưa vừa khoác lên mình tấm áo choàng mới. Chiều tối thì Sa Pa se lạnh hơn. Thế nên người ta nói nếu bạn chỉ có một ngày sống ở Sa Pa cũng sẽ được hưởng thụ đủ khí hậu, tiết trời của cả bốn mùa!

Ngày chợ phiên Sa Pa thường là ngày Chủ nhật. Trên những con đường đi vào thị trấn, bà con người dân tộc Mông, Dao rực rỡ váy áo, tay dắt ngựa đi xuống chợ. Nhìn ngắm những đàn ngựa khỏe khoắn, nhìn óng ả đẹp mã dễ có đến cả trăm con. Họ sẽ buộc ngựa đâu đó ngoài bãi cỏ non, thả cho ngựa thơ thẩn ăn cỏ ngay cạnh khu đất trống.

Những sản vật hoa củ quả, lá thuốc… được họ đựng trong những chiếc sọt bằng nứa tự đan, hoặc trong các gùi mây. Các chàng trai Mông xuống núi có khi còn đeo trên lưng các sọt hoa quả như mận, đào, quả dâu da rừng... Họ túm tụm, say sưa trò chuyện. Chợ đông vui dần lên dưới nắng ấm. Nghe trong gió núi rộn lên mùi hương thắng cố thơm lừng. Nghe lao xao tiếng hát gọi nhau, tiếng trẻ con, có cả những tiếng kèn lá.

Sa Pa đẹp huyền thoại hơn ở nơi miền non cao mây trắng tận biên viễn xa xôi. Một vùng đất với trời mây, núi non cao vút, với ngọn thác trắng đang giao hòa mê đắm. Chẳng thế mà người Pháp xưa đã đến đây, đã chọn Sa Pa là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời. Họ hy vọng nơi đây sẽ là một trung tâm du lịch thương mại đẹp đẽ, độc đáo và sang trọng. Giấc mơ ấy thật đẹp nhưng thật đáng tiếc đã không kịp trở thành hiện thực.

Người ta tiếc nuối vì Sa Pa đã từ lâu bị đánh mất vẻ đẹp thiên nhiên sơ khai, thuần khiết ấy. Những vẻ đẹp thân thương và ảo diệu đang mất dần vì cảnh quan thiên nhiên ngày càng bị phá vỡ nghiêm trọng. Có quá nhiều nhà xây mới đã mọc lên cùng những khối bê tông sừng sững. Vẫn biết, sự phát triển của môt thành phố du lịch đòi hỏi tốc độ ào ạt mang tính công nghiệp, chúng đang thách thức, đe dọa, phá hủy thiên nhiên và môi trường sống.

Thương cho những vẻ đẹp lãng mạn nên thơ, những nét đẹp sơ khai và sự quyến rũ của thiên nhiên thuần khiết sẽ không còn. Biết làm sao được khi người ta đang phải dần quen với một Sa Pa đông đúc, hiện đại của một thành phố du lịch thời hội nhập! Tôi và bao người con đã rời đi xa, càng thương nhớ Sa Pa bao nhiêu thì càng muốn khóc thương cho một Sa Pa xưa đang bị mất dần.

Phạm Thị Phương Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load