Thứ sáu 27/12/2024 04:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Rà soát, chỉnh lý dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất

18:58 | 23/05/2020

(Xây dựng) – Đây là yêu cầu được nêu rõ trong báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày tại Quốc hội, chiều 23/5.

ra soat chinh ly du an luat xay dung sua doi bao dam tinh hop hien thong nhat
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc hội).

Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng phạm vi điều chỉnh

Báo cáo Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ 11 vấn đề đã được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Cụ thể, về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh lại tên gọi của dự thảo Luật cho phù hợp vì có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và Luật Nhà ở.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi phạm vi điều chỉnh là hoạt động xây dựng để bao quát hơn; cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật bao gồm cả những vấn đề như thanh tra xây dựng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… làm rõ trách nhiệm pháp lý của từng chủ thể trong từng công đoạn của hoạt động đầu tư xây dựng.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung Khoản 9, Điều 28 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và Điều 17 của Luật Nhà ở được quy định tại điều khoản thi hành của dự thảo Luật (Điều 4). Mặt khác Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ 01/01/2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành nên việc đánh giá, tổng kết chưa thể hiện được đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, ngoài Luật Xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng còn được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác có liên quan, đã và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng hiện hành với những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019…”, báo cáo nêu.

“Siết” việc cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng

Về quy định liên quan đến Giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Chương V), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nêu rõ, một số ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính đối với quy trình thẩm định cấp Giấy phép xây dựng, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ. Cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc cấp Giấy phép xây dựng. Đề nghị làm rõ các trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được sửa đổi việc tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được xem xét đồng thời trong bước cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng phải thực hiện cả hai thủ tục này. Đồng thời, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, tất cả các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng thì không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng (điểm g, Khoản 2, Điều 89). Các trường hợp không yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, điều kiện chung cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn đã được quy định rõ hơn tại Điều 89 và Điều 94 của dự thảo Luật. Hiện nay, việc cấp Giấy phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.

Có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.

“Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa (Điểm I, Khoản 2, Điều 89)”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ.

Về ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quản lý nghiêm trật tự xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm và có quan hệ trực tiếp với hoạt động cấp Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ gắn liền với pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức chính quyền địa phương... Về cơ bản, Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng không nên quy định lại những nội dung về quản lý trật tự xây dựng tại Chương V dự thảo Luật.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung, làm rõ trách nhiệm UBND cấp tỉnh, huyện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ (Điểm a, Khoản 1, Điều 164, Chương IX).

Chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề được kiểm soát chặt chẽ

Đây là nội dung quan trọng được nêu rõ trong báo cáo giải trình. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, việc quản lý năng lực hoạt động xây dựng (sửa đổi Điều 148 và Điều 159), có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét các quy định về chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực, giảm các giấy phép con không cần thiết. Cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn trình độ hành nghề hoạt động xây dựng. Cần phân cấp và xã hội hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng.

Hoạt động xây dựng thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, điều kiện về chứng chỉ năng lực của tổ chức, chứng chỉ hành nghề của cá nhân (bao gồm năng lực của các cá nhân thuộc tổ chức, khả năng tài chính, máy móc, thiết bị, quy trình quản lý, thực hiện công việc, kinh nghiệm hoạt động) là yếu tố quan trọng, quyết định trong việc tạo ra sản phẩm công trình xây dựng có chất lượng, đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho con người.

Chính vì vậy, chứng chỉ năng lực của tổ chức, chứng chỉ hành nghề của cá nhân cần kiểm soát chặt chẽ thông qua đánh giá tổng thể, phân hạng phù hợp với lĩnh vực hoạt động, loại và cấp công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công tác cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng đối với tổ chức, cá nhân là thông lệ quốc tế và được thực hiện ở nhiều nước.

Luật Xây dựng hiện hành đã quy định khá rõ về điều kiện hoạt động xây dựng cũng như việc phân cấp các hạng chứng chỉ khác nhau (Chương VIII về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng). Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định phân cấp việc cấp chứng chỉ. Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hạng II, hạng III. Hiện nay, công tác cấp chứng chỉ đã được đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc nộp hồ sơ cấp chứng chỉ đã được kết hợp thực hiện bằng hình thức nộp trực tuyến, kết quả được trả về theo đường bưu điện... Do vậy, việc cấp chứng chỉ đã đảm bảo thuận tiện, không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, các điều, khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý cụ thể của các Đại biểu Quốc hội về giải thích từ ngữ, về xây dựng công trình tạm, về vật liệu xây dựng, về ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng, về giao trách nhiệm Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật… cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo thống nhất rà soát, chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết.

Sau báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 59 Điều tăng 7 Điều so với so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Sửa đổi Điều 17 của Luật Nhà ở và Điều 28 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load