(Xây dựng) - “Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19”, những trang sách mang hơi thở thời cuộc do Nhà xuất bản Lao động Xã hội phát hành sẽ chính thức ra mắt ngày 30/4. Được biên soạn khi cả nước còn đang thực hiện Chỉ thị “Cách ly xã hội”, đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam nói về chiến dịch phòng, chống virus SARS-CoV-2, có tác dụng to lớn trong việc động viên, cổ vũ kịp thời tất cả các lực lượng đang ngày đêm trên trận tuyến chống dịch.
Ngày 29/4 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Lao động Xã hội tổ chức buổi giới thiệu và ra mắt cuốn sách “Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19” do Nhà xuất bản Lao động Xã hội phát hành.
Cuốn sách gồm 6 chương, mở đầu bằng các văn bản của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những quyết sách kịp thời, nhạy bén chỉ đạo cuộc chiến phòng và chống dịch Covid-19. Những trang sách là công sức đóng góp của các nhà báo: Nguyễn Ngọc Niên, Trần Đình Thảo, Lưu Trần Luân và Bùi Đức Toàn; nhà máy in Bộ Quốc phòng, doanh nhân Nguyễn Đức Cây và tất cả các anh chị em đã tham gia.
Với mong muốn phản ánh chân thực và đầy đủ nhất các lĩnh vực, các lực lượng tham gia chiến dịch, tiêu biểu là các y, bác sỹ và nhân viên y tế; các lực lượng quân đội và công an với phương châm “chống dịch như chống giặc” cũng như như ý kiến nhận xét, đánh giá của các chính khách quốc tế; của báo chí các nước ca ngợi Việt Nam trong quá trình chống dịch.
Bằng sự tâm huyết của mình, nhà báo Nguyễn Ngọc Niên, doanh nhân Nguyễn Đức Cây và Ban soạn thảo gồm những nhà báo và biên tập viên xuất bản dày kinh nghiệm đã triển khai công việc ngay giữa những ngày còn đang “cách ly xã hội” để hoàn thành cuốn sách, kịp ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là ngày toàn quốc đã cơ bản khống chế được dịch. Có thể nói, cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc “Tổng tiến công mùa xuân 2020”.
Sự ra đời của cuốn sách thể hiện sự tri ân của các tác giả, của những người làm sách đối với các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào chiến dịch lịch sử này.
Huyền Lê
Theo