Chủ nhật 22/12/2024 13:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quy hoạch không gian ngầm trước bối cảnh Hà Nội thiếu bãi đỗ xe và ùn tắc giao thông nghiêm trọng

09:08 | 13/09/2024

(Xây dựng) – Thực trạng thiếu bãi đỗ xe và ùn tắc giao thông tại Hà Nội lâu nay vẫn là vấn đề nan giải, đặc biệt, sau trận bão số 3, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù, Hà Nội đã quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội thành cũ nhưng đến nay tất cả vẫn đang chỉ nằm trên giấy, việc triển khai thực hiện chồng chất khó khăn.

Quy hoạch không gian ngầm trước bối cảnh Hà Nội thiếu bãi đỗ xe và ùn tắc giao thông nghiêm trọng
Sau trận bão số 3, hàng loạt ôtô bị cây xanh đè bẹp.

Thiệt hại nặng nề sau bão vì không có bãi đỗ xe

Cơn bão số 3 đi qua đã để lại những thiệt hại nặng nề không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước. Ngoài những tổn hại về cây xanh, hàng loạt các chủ phương tiện chỉ biết “ngửa mặt kêu trời” vì khối tài sản tiền tỷ bị cây đè bẹp.

Chị Phương, một chủ phương tiện ôtô sống tại Linh Đàm cho biết: Bão về, dù được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, tuy nhiên, nếu không để bên lề đường, các bãi đỗ xe “di động” thì chả biết để đâu. Tại khu Linh Đàm, các bãi đỗ xe đều kín hết, hoặc nếu có chỗ thì cũng xa nhà, giá đắt đỏ.

Anh Dũng, một chủ phương tiện để xe trong bãi trên phố Nguyễn Duy Trinh (Hoàng Mai) cũng bày tỏ nỗi bất bình trước cảnh ôtô bị đè bẹp. “Nhìn cảnh tượng hoang tàn, ôtô bị đè bẹp, thật không thể tưởng tượng nổi, sau đêm mưa bão, xe đã không còn nguyên trạng, hàng loạt ôtô bị cây đổ trúng ép vỡ toàn bộ kính, cửa biến dạng”, anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ về thực trạng bất cập này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: Ở nước ta hiện nay, tình trạng quá tải về chỗ đỗ xe xảy ra không chỉ ở Hà Nội mà ở các thành phố khác như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Vấn đề do công tác quy hoạch, quy hoạch không tính toán dẫn đến sự quá tải về hạ tầng giao thông. Tại Hà Nội, nhiều dự án khu chung cư cao tầng mọc lên nhưng không có tầng hầm, một số nơi có tầng hầm nhưng chỉ để được xe máy, đơn cử như khu Linh Đàm. Hàng loạt các block chung cư mọc lên nhưng lại không bố trí bãi đỗ xe, có bãi đỗ xe thì phần lớn là trên mặt đất, trong khi quỹ đất dành cho vị trí này lại không có nhiều.

Khu vực phố cổ cũng do mật độ dân cư đông đúc. Các khu chung cư chủ yếu là khu chung cư cũ, người dân tận dụng bãi đỗ xe ở các góc công viên hay gốc cây xanh dẫn đến kể cả có mưa bão thì họ cũng không có chỗ trú ẩn an toàn cho xe.

Quy hoạch có nhưng khó triển khai?

Lấy bài học từ nhiều nước trên thế giới, Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Năm 2022, Hà Nội ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000, khu vực nghiên cứu chính là đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Theo đó, đối với các khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch nhấn mạnh việc tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sân đỗ xe kiểu cơ giới hóa để tiết kiệm quỹ đất.

Quy hoạch không gian ngầm trước bối cảnh Hà Nội thiếu bãi đỗ xe và ùn tắc giao thông nghiêm trọng
TS. Nguyễn Công Giang, Trưởng Bộ môn Xây dựng công trình ngầm đô thị, Khoa Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu về quy hoạch không gian ngầm.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, TS. Nguyễn Công Giang, Trưởng Bộ môn Xây dựng công trình ngầm đô thị, Khoa Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Hiện tại, 4 quận nội thành Thủ đô Hà Nội (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) đã có quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, các tầng trên khai thác thương mại, các tầng dưới khai thác bãi đỗ xe. Trong đó có bãi xe ngầm tại Cung Hữu nghị Việt Xô phải kết nối với ga ngầm S12, bãi xe ngầm tại tượng đài Lý Tự Trọng sẽ kết nối thẳng vào tòa nhà UBND Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc mà hiện những dự án này chưa thể triển khai thực hiện.

“Tại Hà Nội, các chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra phương án quy hoạch đồng bộ các công trình ngầm về độ cao, kết cấu và liên thông với nhau. Qua đó, các tòa nhà cạnh nhau có thể chia sẻ trong việc khai thác công trình ngầm, ví dụ khi tòa nhà này hết chỗ đỗ xe, người dân có thể đỗ phương tiện ở hầm tòa nhà khác.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, hiện chưa có luật cụ thể về quản lý sử dụng không gian ngầm. Tại các khu vực tàu điện ngầm đi qua, chưa có quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc sở hữu không gian ngầm dưới lòng đất, phần nào của nhà dân, phần nào Nhà nước được thi công, sử dụng”, TS. Nguyễn Công Giang chia sẻ.

Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng: Quy hoạch không gian ngầm tại Hà Nội còn riêng lẻ, chưa có sự đồng bộ và kết nối sâu rộng. Điển hình như hệ thống ga tàu điện ngầm được xây dựng chưa có sự kết nối với các công trình ngầm khác. Quy hoạch công trình ngầm tại Hà Nội cần đồng bộ, xem xét tất cả các yếu tố, các công trình ngầm khác thay vì chỉ phát triển đi theo hệ thống đường sắt đô thị.

Những giải pháp căn cơ

Trước những vấn đề nan giải nêu trên, TS. Nguyễn Công Giang cho rằng, cần đưa ra quy định đối với nhà cao tầng và nhà thấp tầng. Đối với các tòa nhà cao tầng, sâu dưới 50m là khu vực Nhà nước có quyền thi công, sử dụng không gian ngầm, còn độ sâu đối với nhà thấp tầng là 15-20m. Khi thi công công trình dưới độ sâu như vậy, chủ đầu tư không phải đền bù miễn là không ảnh hưởng đến kết cấu công trình trên mặt đất. Nhật Bản đã áp dụng thành công quy định này. Hiện Thành phố Hà Nội cũng đang xem xét đưa ra quy định về sở hữu và sử dụng không gian ngầm này.

Cũng theo TS. Nguyễn Công Giang, một khó khăn lớn trong việc xây dựng các công trình ngầm là việc chồng chéo trong cơ chế. Bộ Xây dựng đưa ra quy hoạch, nhưng quyền sử dụng đất lại thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thành phố Hà Nội, việc triển khai các dự án này cũng cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, để triển khai các dự án này còn phải qua các thủ tục đấu thầu, đợi giải ngân vốn… có thể nói phức tạp và khó khăn. Bởi vậy theo tôi, cần có cơ chế đặc thù để Bộ Xây dựng được trực tiếp chỉ đạo thực hiện, các địa phương phối hợp, hỗ trợ triển khai các dự án.

“Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, chúng ta cần có những chuyên gia giỏi, có đủ kinh nghiệm và tầm cỡ để nhanh chóng đưa ra quy hoạch phù hợp. Tiếp đó là cơ chế, chúng ta cần xây dựng cơ sở pháp luật và cơ chế phù hợp”, TS. Nguyễn Công Giang nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Công Giang, nhược điểm lớn của chúng ta là quy hoạch chưa tốt. Nếu quy hoạch không đồng bộ, ví dụ nhà ga S12 tại Ga Hà Nội không đồng bộ với hệ thống đường sắt quốc gia, chúng ta cần 10-15 triệu USD để thực hiện. Tuy nhiên khi hạ tầng đồng bộ, việc kết nối không gian ngầm với các công trình đã có chỉ tốn khoảng vài tỷ đồng.

Quy hoạch không gian ngầm trước bối cảnh Hà Nội thiếu bãi đỗ xe và ùn tắc giao thông nghiêm trọng
Theo KTS Trần Huy Ánh, quy hoạch không gian ngầm tại Hà Nội còn riêng lẻ, chưa có sự đồng bộ và kết nối sâu rộng.

Một vấn đề lớn nữa là việc đấu thầu, các thủ tục khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp có kinh nghiệm, có năng lực tốt rút khỏi Việt Nam. Với cơ chế đấu thầu hiện tại, chúng ta không thể có các chuyên gia có đủ năng lực để thực hiện các dự án không gian ngầm. Do vậy, cần cơ chế thiết thực, đặc thù, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong quá trình đấu thầu để tạo điều kiện cho các nhà thầu đủ trình độ, đủ năng lực để triển khai các dự án công trình ngầm, không gian ngầm.

Đưa giải pháp cho vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, khi phát triển quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm cần lưu ý tránh xung đột với các công trình khác. Cần tránh trường hợp như dự án nhà ga C9 tuyến metro số 2 gây nhiều tranh cãi khi xây dựng gây ảnh hưởng đến di tích lịch sử đặc biệt mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử - đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó, khi phát triển công trình ngầm cần chú trọng nhiều hơn tới thói quen sinh hoạt của người dân cũng như xác định mục đích sử dụng sao cho hợp lý. Không gian ngầm tại những địa điểm, khu vực phù hợp có thể khai thác nhiều hơn việc đỗ xe như trung tâm thương mại, trung tâm kho vận… để phát huy tốt nhất công năng, tận dụng triệt để không gian trong đô thị.

Kim Thoa – Khôi Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load