Thứ sáu 28/06/2024 00:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy định quản lý, phát triển nhà ở cần đơn giản hóa, quản lý chặt nhà ở riêng lẻ

22:57 | 20/06/2024

(Xây dựng) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở diễn ra trong ngày 20/06.

Quy định quản lý, phát triển nhà ở cần đơn giản hóa, quản lý chặt nhà ở riêng lẻ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng quy định theo hướng đơn giản hoá, không phát sinh thêm thủ tục hành chính. (Ảnh: VGP/MK – baochinhphu.vn)

Không để phát sinh thêm thủ tục

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở bao gồm 13 chương, 95 Điều, quy định về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở tại Việt Nam.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến nhà ở quy định tại Nghị định này.

Tại cuộc họp lần này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã báo cáo, giải trình, tiếp thu những nội dung được nêu tại cuộc họp diễn ra vào ngày 13/06.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã tiếp thu, quy định thời gian xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh khi nhận được ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch; xử lý chuyển tiếp để giải quyết các trường hợp pháp luật thay đổi, quy hoạch thay đổi về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy định quản lý, phát triển nhà ở cần đơn giản hóa, quản lý chặt nhà ở riêng lẻ
Toàn cảnh cuộc họp toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở. (Ảnh: VGP/MK – baochinhphu.vn)

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu các ý kiến nhằm thể chế hoá quy định rà soát, thống kê và đánh giá hiện trạng, tình hình phát triển các phân khúc nhà ở tại địa phương, từ đó sẽ quyết định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Một số ý kiến quan trọng khác cũng được tiếp thu là nội dung bố trí vốn Nhà nước để phát triển các loại nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia; Dẫn chiếu các quy định huy động vốn để phát triển nhà ở theo pháp luật chuyên ngành về tín dụng, đầu tư công, trái phiếu; Thời điểm và trách nhiệm của cơ quan đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở phục vụ tái định cư.

Về quy định giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu theo hướng đơn giản hoá, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ đối với nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Ngoài ra, Nghị định cũng phải dẫn chiếu theo các quy định của pháp luật đầu tư, phân cấp triệt để cho địa phương.

Cần quản lý chặt chẽ nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng, nhiều căn hộ

Tại cuộc họp, một số ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng chỉnh lý và bổ sung hồ sơ, điều kiện đối với nhà ở công vụ theo pháp luật về nhà ở trong quy định về phát triển, quản lý sử dụng nhà ở công vụ.

Nghị định mới cần bổ sung trường hợp huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Về quy định phát triển, quản lý sử dụng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, đại diện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị bổ sung trường hợp cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở riêng lẻ, khu trọ có nhiều phòng, căn hộ cho thuê.

Quy định quản lý, phát triển nhà ở cần đơn giản hóa, quản lý chặt nhà ở riêng lẻ
Nghị định cần quy định rõ các quy chuẩn kỹ thuật an toàn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ. (Ảnh: Internet)

Trong đó, cơ quan soạn thảo phải hết sức chú ý đến các quy chuẩn kỹ thuật an toàn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đồng thời quy định xử lý chuyển tiếp đối với các công trình hiện hữu.

Đối với trình tự, thủ tục chuyển đổi công năng các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở cũ thuộc tài sản công, Phó Thủ tướng đã nêu nguyên tắc cấp nào phê duyệt chủ trương đầu tư thì cấp đó sẽ có văn bản chấp thuận việc chuyển đổi công năng nhà ở.

Chủ đầu tư phải đăng ký xếp hạng chung cư

Liên quan đến nội dung phân hạng chung cư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, mục tiêu là phát triển các chung cư có chất lượng, tiện ích sống ngày càng tốt hơn, từ đó làm căn cứ tính chi phí quản lý, vận hành chung cư.

Trên thực tế, nhiều dự án chung cư hiện nay gắn mác “cao cấp”, “siêu sang” để huy động vốn, bán căn hộ. Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đề nghị, Nghị định phải có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và công bố trước khi huy động vốn, mở bán.

Quy định quản lý, phát triển nhà ở cần đơn giản hóa, quản lý chặt nhà ở riêng lẻ
Chủ đầu tư phải đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và công bố trước khi huy động vốn, mở bán. (Ảnh: Internet)

Cũng liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Bộ tiêu chuẩn chung, thống nhất về chất lượng chung cư do cơ quan quản lý nhà nước ban hành và thực hiện đánh giá, công bố, giám sát là điều cần thiết.

Tuy nhiên, Nghị định cũng cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong nước, quốc tế thực hiện bình chọn, trao giải thưởng cho các toà nhà, chung cư có kiến trúc đẹp, hiện đại, tiện nghi, quản trị thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Cho ý kiến về trình tự thủ tục cưỡng chế, bàn giao kinh phí bảo trì cho phần sở hữu chung của nhà chung cư, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật dân sự. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng phải chú ý về quy định xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp trước khi Nghị định có hiệu lực.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load