Thứ bảy 20/04/2024 14:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quốc tế đánh giá cao cam kết từ bỏ điện than của Việt Nam

17:09 | 08/11/2021

(Xây dựng) – Nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao cam kết từ bỏ điện than của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

quoc te danh gia cao cam ket tu bo dien than cua viet nam
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết loại bỏ dần điện than với lộ trình phù hợp (Ảnh: EVN).

Ngày 3/11/2021, Chủ tịch COP26, Vương quốc Anh đã đưa ra “Tuyên bố chuyển đổi toàn cầu từ Than đá sang Năng lượng sạch”, giới thiệu liên minh 190 quốc gia và tổ chức đã công bố rõ ràng đối với việc loại bỏ dần điện than. Đáng chú ý, danh sách này có 18 quốc gia lần đầu tiên cam kết loại bỏ và không xây dựng hoặc đầu tư vào điện than mới như Việt Nam, Ba Lan hay Chile.

Theo Tuyên bố, các quốc gia và tổ chức sẽ chấm dứt mọi hoạt động đầu tư điện than mới trong nước và quốc tế, đồng thời nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch. Trong đó, các nền kinh tế lớn sẽ phải loại bỏ điện than vào thập niên 2030 và phần còn lại của thế giới sẽ hoàn thành mục tiêu này vào thập niên 2040. Đặc biệt, các thành viên của liên minh đã cam kết chỉ chuyển đổi, loại bỏ điện than theo hướng có lợi cho người lao động và cộng đồng.

Hiện nay, cam kết của Việt Nam đang gây chú ý vì chúng ta là một trong những quốc gia có công suất điện than lớn trên thế giới, cùng với Canada, Chile, Đức, Italia hay Tây Ban Nha.

Nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Centre for Research on Energy and Clean Air), Lauri Myllyvirta chia sẻ: “Quyết định loại bỏ nhiệt điện than của Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì quốc gia này có số lượng nhà máy điện than được quy hoạch lớn thứ 3 trên thế giới”.

“Hiện nay, khoảng 60% công suất điện than được lên kế hoạch của thế giới là ở Trung Quốc. Nhưng việc quốc gia này cam kết chấm dứt tài trợ cho điện than nước ngoài sẽ khiến các dự án bên ngoài Trung Quốc ngày càng khó tiến hành. Do đó, động lực loại bỏ than đá được thể hiện qua các tuyên bố sẽ gây áp lực lên quốc gia này trong việc nêu rõ một lộ trình cụ thể hơn và tham vọng hơn để đạt đỉnh tiêu thụ than và đỉnh phát thải CO2”.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo toàn cầu của Tổ chức tư vấn về năng lượng và khí hậu Ember (Ember Climate), Dave Jones cho biết: “Các cam kết ngày hôm nay sẽ giúp thay đổi toàn bộ lộ trình loại bỏ dần than đá trên các lục địa.

“Ở châu Âu, Ba Lan là pháo đài lớn cuối cùng của than đá, và gần như sẽ kết thúc hành trình loại bỏ than của châu Âu. Ở châu Phi, Nam Phi và Maroc chịu trách nhiệm cho 95% sản lượng than của châu Phi, nên cam kết này sẽ khiến châu Phi không còn than. Còn tại châu Á, các nước đang phát triển như Việt Nam đã có lần đầu tiên cam kết loại bỏ dần than”.

“3 quốc gia than lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cũng đã có những cam kết nhằm bắt đầu chuyển hệ thống điện khỏi sự phụ thuộc vào điện than. Động lực này nhấn mạnh thực tế rằng, việc chuyển đổi khẩn cấp từ điện than sang năng lượng sạch là sự lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế, sức khỏe và khí hậu”.

quoc te danh gia cao cam ket tu bo dien than cua viet nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng sạch thay thế cho điện than (Ảnh: Vietnamnet).

Cũng trong khuôn khổ COP26, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh có đánh giá, để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức 1,5 độ C, quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch cần phải tiến triển nhanh hơn từ 4 – 6 lần so với hiện tại. Theo số liệu được công bố tại Hội nghị năm nay, hơn 20 tỷ USD đã được sử dụng để hỗ trợ quá trình chuyển dịch từ than đá sang năng lượng sạch trên toàn cầu.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load