Thứ hai 16/09/2024 15:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

16:50 | 08/06/2009


Khu du lịch Quốc tế Tuần Châu Hạ Long

Đa số đại biểu nhất trí với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và cho rằng việc tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết vướng mắc, những vấn đề bức thiết nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong thực tế thi hành các luật hiện nay. Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi; phát huy được quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Cho ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung điều 39 (Luật Xây dựng) sửa đổi thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn nhà nước sau khi được Quốc hội thông chủ trương đầu tư; Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại. Các đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk), Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị không nên sửa đổi theo hướng trên bởi sẽ làm giảm vai trò của QH. Đại biểu Lê Quốc Dung bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, tiêu chí về quy mô và nguồn vốn chỉ là 1 trong 5 tiêu chí quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của Quốc hội. Các tiêu chí khác gồm quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù. Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, cần phải có văn bản hành chính nhà nước, cụ thể là quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì chủ trương đầu tư mới có thể triển khai thực hiện, thậm chí các dự án, công trình quan trọng quốc gia nếu Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì khó khả thi vì dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Nhiều đại biểu đề nghị trong Luật sửa đổi lần này cần nêu các quy định cụ thể, bởi nếu tiêu chí trong Luật không rõ ràng sẽ gây khó khăn, thậm chí tạo điều kiện cho cán bộ hành dân khi thực hiện. Các đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết, cụ thể những chế tài nhằm giảm tối đa cơ chế “xin-cho” trong đầu tư xây dựng cơ bản, chống phiền hà, sách nhiễu của các cơ quan quản lý chuyên môn, lãnh đạo địa phương và cán bộ, công chức trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản. Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đề nghị bổ sung một điều, khoản quy định vai trò kiểm tra, giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong lĩnh vực này.

Đa số đại biểu đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận “ sổ hồng” và “ sổ đỏ” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật đất đai và Luật nhà ở, điều này cũng phù hợp với nội dung của Nghị quyết của QH về vấn đề này. Các đại biểu cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (ngoài nhà ở) là quá rộng, đề nghị quy định rõ các loại tài sản gắn liền với đất là những loại tài sản nào.

Theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở hiện hành, Bộ Tài nguyên, Môi trường và Bộ Xây dựng là 2 cơ quan đầu mối, đại biểu Đào Xuân Nay (Ninh Thuận) đề nghị giao Bộ Tài nguyên - Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước… Về vấn đề ngày, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) lại bày tỏ quan điểm hoàn toàn khác. đại biều đề nghị chưa nên điều chỉnh Luật Đất đai và Luật Nhà ở trong Luật này bởi cần bàn một cách kỹ lưỡng nên sửa và sửa thế nào. Đại biểu cho rằng cần phân tích rõ ràng, kỹ lưỡng các lý do thì mới nên quyết định việc sửa luật hay không…

Đại biểu Lê Quốc Dung và một số đại biểu khác cho rằng tên gọi của Luật cần rõ ràng, cụ thể hơn, không nên dùng một cách chung chung là liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Cần nêu rõ sửa bao nhiêu luật có liên quan và ghi rõ từng tên luật…/.

Bích Thủy

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load