(Xây dựng) – Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất vào thời điểm giá đất nền tăng ảo, gặp lúc ngân hàng thắt chặt cho vay vốn kinh doanh bất động sản, khiến hàng chục lô đất đấu trúng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải bỏ cọc.
Nhiều lô đất tại trung tâm thị trấn huyện Cam Lộ bị bỏ cọc. |
Theo nguồn tin phóng viên Báo điện tử Xây dựng thu thập, từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có đến gần 60 lô đất sau khi đấu trúng bị bỏ cọc, với tổng số tiền cọc lên hàng tỷ đồng. Những địa phương có nhiều lô đất bị bỏ cọc nhiều như huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh…
Từ cuối năm 2021 đến quý I/2022, các địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong tình trạng thị trường bất động sản biến động bất quy luật, giá đất nền tăng ảo, có nơi tăng đến cả chục lần so với giá sàn, dẫn đến cảnh người người đi buôn bán đất.
Thời gian này, nhiều cò đất thỏa sức đẩy giá đất lên cao khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, không những đất tại thành thị, thị tứ mà đất ở những vùng nông thôn nơi hang cùng, ngõ hẻm lúc bấy giờ dường như đều có “dấu chân” của người buôn đất.
Ông Hoàng Tân Cương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ cho hay: Sau khi đầu tư xong phần cơ sở hạ tầng, đầu tháng 4/2022 huyện Cam Lộ đã đưa 11 lô tại thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền) vào đấu giá quyền sử dụng đất, giá khởi điểm bình quân 1 lô là 250 triệu đồng. Khu đất này thuộc vùng miền núi, ấy vậy mà giá đấu trúng lên đến từ 700 đến gần 1 tỷ đồng. Khách hàng đấu trúng 11 lô này phần lớn ở các địa phương khác đến, có cả khách hàng từ Huế, điều này cho thấy số khách hàng này chủ yếu là đầu cơ, đấu xong lướt sang tay kiếm chênh lệch. Do sự tình không diễn ra như ý đồ, nên đã có nhiều khách hàng bỏ cọc 6 lô không hẹn ngày trở lại. Ngoài ra, có 5/14 lô tại trung tâm thị trấn của huyện này cũng bị bỏ cọc tương tự.
Tại 2 thôn Đại Đồng Nhất và Trí Tiến thuộc xã Gio Sơn (huyện Gio Linh) có 46 lô đất với tổng diện tích trên 14.000m2 cũng được cơ quan chức năng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Các lô đất đều nằm dọc trục đường 74, thuộc khu vực nông thôn có nhà dân rải rác, còn lại phần lớn diện tích là đất nông nghiệp của người dân trong vùng. Tổng số tiền trúng đấu giá của 46 lô đất đạt trên 62,3 tỷ đồng. Trong đó, có lô đất được đấu trúng với giá cao hơn gấp 4 lần so với giá khởi điểm. Sau khi đấu trúng có đến 41 lô khách hàng bỏ cọc, số tiền đặt cọc của 41 lô này là hàng tỷ đồng.
Mặc dù giá đấu trúng chênh lệch không nhiều nhưng do rơi vào thời điểm ngân hàng thắt chặt việc cho vay với hoạt động kinh doanh bất động sản đã có 12/49 lô đất tại khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh) bị bỏ cọc.
Câu chuyện bỏ cọc không chỉ được biết đến thông qua việc tổ chức đấu giá của các địa phương nói trên, mà trên thực tế tại địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có hàng loạt lô đất giao dịch mua bán từ người này với người khác bị bỏ cọc.
Xin nói thêm rằng, vào thời điểm thị trường bất động sản chớm rơi vào tình cảnh “đóng băng” khách hàng bỏ cọc còn may mắn hơn nhiều khách hàng đã xuống tiền mà không “lướt” kịp để rồi “ẵm” trọn mối nợ bất khả kháng. Đáng quan tâm là những khách hàng tay ngang, hùa theo lưu trào buôn đất ở cái thời điểm giá đất nền đồng loạt tăng ảo mà dùng nguồn tiền vay thế chấp ngân hàng, vay người thân… để đầu cơ vào đất mong kiếm lời, giờ đây lâm vào tình cảnh nợ nần khó khăn.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản: Thị trường bất động sản, nhất là đất nền “đóng băng” sẽ còn kéo dài, bởi thực tế, sản phẩm bất động sản, mà trong đó đất nền giao dịch hiện tại theo kiểu “cung thật, cầu ảo”, người có nhu cầu mua đất làm nhà ở chiếm tỷ lệ không đáng bao nhiêu mà chủ yếu là mua để đầu cơ.
Một minh chứng cụ thể, gần đây mỗi năm tại Quảng Trị có hàng trăm lô đất được đấu trúng, nhưng trong đó tỷ lệ đất để làm nhà ở thì ít, có nhiều khu đất ở đã đấu trúng khá lâu rồi nhưng nhà thì mọc lên thưa thớt, còn lại là vườn không cỏ mọc. Mặt khác, hiện tại giá đất nền trên địa bàn Quảng Trị trở về với giá thực nhưng thị trường này vẫn “ảm đạm” không có nhiều giao dịch.
Giá đất nền tăng ảo và gấp nhiều lần so với giá thực, rồi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng” chưa biết đến bao giờ mới “ấm” trở lại, vì thế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong thời gian tới.
Hữu Tiến
Theo