Thứ hai 20/01/2025 22:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quảng Ninh nhanh chóng triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng

23:13 | 14/05/2024

(Xây dựng) – Trên cơ sở Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành tại Quyết định số 368/QĐ-TTg, tỉnh Quảng Ninh xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển trong quy hoạch là hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh nói riêng và của cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung trong giai đoạn tới.

Quảng Ninh nhanh chóng triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (Ảnh: TTXVN).

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Quy hoạch xác định xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước; khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại. Phấn đấu trong kỳ quy hoạch đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm, trong đó tiểu vùng Bắc sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 8,8 - 9,0%/năm, tiểu vùng Nam sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 10,0 - 10,5%/năm; quy mô GRDP vùng năm 2030 tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 11.000 - 12.000 USD/người…

Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả được các giá trị truyền thống kết hợp với khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới thông qua việc tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển Vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực.

Trên cơ sở Quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển trong quy hoạch là hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh nói riêng và của cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung trong giai đoạn tới. Để tổ chức triển khai, thực hiện Quy hoạch đảm bảo quy định, ngày 8/5/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản về việc thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ- TTg ngày 4/5/2024. Trong đó nêu rõ: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của các địa phương trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, cập nhật thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, nghiên cứu, cập nhật thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất chuyên ngành, kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, để tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh việc thực hiện các quy hoạch, rà soát đánh giá các quy hoạch liên quan; các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Quảng Ninh nhanh chóng triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng
Theo Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, vịnh Cửa Lục sẽ là trung tâm kết nối để Hạ Long phát triển theo mô hình đa cực, đô thị hành lang ven biển (Ảnh: QMG).

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, trong quá trình rà soát, đánh giá quy hoạch, nếu có nội dung quy hoạch lớp dưới mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét việc điều chỉnh, đảm bảo thống nhất các quy hoạch làm cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, cập nhật thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra lộ trình cụ thể tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch.

Theo đó, đến năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt. Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý Nhà nước và định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Đến năm 2025, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng; xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành. Đặc biệt là Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh); Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long; Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh. Bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế.

Hoàng My

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load