Trước hết phải khẳng định đây là một Nghị quyết đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và thành công nhất trong thời gian vừa qua. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, Quảng Ninh đã tập trung huy động được nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng…
Trong đó điểm nổi bật và khác biệt của tỉnh là đã thay đổi căn bản cách làm và đã huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; mạnh dạn áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với đa phương pháp, đa hình thức để lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp, từ đó đã xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, manh mún, thay bằng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả; ưu tiên đầu tư các dự án có tính động lực cao… Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, sơ bộ tổng nguồn vốn đầu tư một số dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào khoảng 210.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải chiếm khoảng 45.143 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch 26.283 tỷ đồng; hạ tầng cung cấp điện là 119.622 tỷ đồng… Đối với các dự án thực hiện theo hình thức PPP thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh có tổng mức vốn đầu tư là 47.174 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 4.718 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 42.459 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ từ các nhà quản lý, 1 đồng ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đã thu hút được khoảng 8,9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2018. Ảnh: Đỗ Phương
Điển hình như với hạ tầng giao thông, hiện nay, hầu hết các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, các dự án trọng điểm có tính động lực cao, đột phá đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là các nguồn lực đầu tư công trình giao thông trọng điểm phần lớn đều sử dụng vốn ngoài ngân sách, đây là hướng đi tất yếu trong điều kiện hiện nay đã được tỉnh triển khai rất hiệu quả. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức PPP. Nổi bật nhất trong đó phải kể đến là 2 tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn. Đây là một trong những dự án giao thông tiêu biểu của Quảng Ninh và là dự án đường cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao cho tỉnh làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện. Cảng hàng không Quảng Ninh đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 16/3/2012 với quy mô cấp 4E; sân bay quân sự cấp II được thực hiện theo hình thức BOT. Dự án được triển khai từ năm 2015, ngày 11/7/2018 đã bay hiệu chỉnh kỹ thuật, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018. Đây là cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam do một tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư.
Cùng với các dự án trên, hiện tỉnh cũng đang chuẩn bị đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm, như: Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự kiến khởi công trong quý III/2018; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, dự kiến khởi công vào quý III/2018; hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, phấn đấu khởi công vào năm 2019. Riêng các dự án xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn đến nay cơ bản đã hoàn thành khoảng 80%; tỷ lệ đường huyện có kết cấu mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng đạt khoảng 80%, đường xã, thôn đạt khoảng 70% và đang đưa vào triển khai theo quy hoạch…
Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện cũng là một trong những đột phá của Quảng Ninh trong giai đoạn 2010-2018. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương đầu tư và đưa vào vận hành 8 nhà máy nhiệt điện, đến nay tổng công suất các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh đạt 5.640MW. Các dự án này đã đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm nhiệt điện, phát điện lớn nhất nước với tổng công suất chiếm 16% tổng công suất phát điện của cả nước. Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ với trên 3.000km đường dây trung áp; gần 14.000km đường dây hạ áp; 3.283 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 998.000kVA; 99,86% số hộ có điện lưới quốc gia sử dụng, hệ thống hạ tầng điện đã phủ kín khu vực nông thôn; 100% các xã đảo, huyện đảo đã được cấp điện lưới quốc gia và là địa phương được Trung ương đánh giá đi đầu cả nước về đưa điện về khu vực nông thôn.
Trung tâm thành phố Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn
Những năm gần đây, công tác phát triển đô thị và đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị cũng được tỉnh tập trung đẩy mạnh, tạo diện mạo đô thị mới, góp phần phát triển Quảng Ninh theo hướng hiện đại, bền vững. Hiện Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có 4 thành phố trực thuộc tỉnh là Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả. Các quy hoạch địa phương cơ bản hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị đã đạt được các kết quả đáng kể, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 64% (trung bình toàn quốc đạt khoảng 35,7%) và là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương)...
Có thể khẳng định, với những đột phá lớn về kết cấu hạ tầng trong thời gian qua đã mang lại cho diện mạo Quảng Ninh những đổi thay rõ nét. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, tạo động lực để tỉnh ngày càng vươn cao, phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, một cực tăng trưởng của miền Bắc, hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành nơi cần đến và nơi đáng sống.
Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn