(Xây dựng) – Đó là lo lắng của TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo thông qua báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được tổ chức ngày 5/4 tại thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương tham gia góp ý tại Hội thảo. |
Chủ trì Hội thảo có TS. Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam; PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Vụ Quản lý quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị tham gia lập quy hoạch. Cùng với đó nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong nước đã dự và đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm giúp Quảng Ngãi khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, để trở thành tỉnh phát triển toàn diện.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2022; sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn lập Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đã trình bày những vấn đề cơ bản liên quan đến nghiên cứu lập quy hoạch, đề xuất kịch bản phát triển quy hoạch toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hơn 100 đại biểu trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi tham dự Hội thảo. |
Theo đơn vị tư vấn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát triển hài hòa và bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong dài hạn; phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước thời kỳ 2021 - 2030; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành liên quan đến tỉnh Quảng Ngãi.
Các nội dung quy hoạch đã đánh giá toàn diện vị trí địa chính trị, các yếu tố đặc thù về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; các bối cảnh và tác động nội vùng lẫn ngoại vùng có liên quan đến sự phát triển của tỉnh; cơ hội liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế; những cơ hội phát triển từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; tạo nền tảng để phát triển tỉnh trong tương lai.
Mục tiêu phát triển tổng quát, đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung. Đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước với quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh mạnh và nằm trong nhóm đầu về Thương mại - Dịch vụ trong vùng Duyên hải miền Trung, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và du lịch. Phấn đấu nằm trong nhóm 15 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước vào năm 2050.
Quảng Ngãi hướng đến phát triển hài hòa và bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong dài hạn. |
Bên cạnh đó, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phản biện, góp ý của các chuyên gia đối với quy hoạch, từ bố cục đến nội dung chi tiết các định hướng phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… của tỉnh Quảng Ngãi. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Đồ án quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi lần này được thực hiện rất công phu, thể hiện tầm nhìn, khát vọng. Quy hoạch đề cập rõ về quan điểm, mục tiêu phát triển trong từng lĩnh vực với lộ trình, bước đi qua từng giai đoạn.
Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung phân tích, đánh giá khá đầy đủ các điều kiện tự nhiên, xã hội; thực trạng phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhận diện được các lợi thế, tiềm năng và yếu tố bất lợi, cũng như cơ hội, thách thức cho 10 năm đến; đồng thời, đã đưa ra một số quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong 10 và 30 năm đến.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng thẳng thắn góp ý một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, đề xuất, gợi ý một số định hướng lớn để Quảng Ngãi xây dựng đồ án quy hoạch chất lượng, hiệu quả hơn, là cơ sở để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.
Tham gia góp ý tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, trong thời gian qua kinh tế Quảng Ngãi có bước chuyển biến tích cực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đóng góp lớn. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong một thời gian dài quá phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Điều lo ngại hơn là phát triển kinh tế của tỉnh đang có nguy cơ xung đột rất lớn giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường. Vì thế, ngay từ bây giờ Quảng Ngãi cần xây dựng tầm nhìn chiến lược và một kịch bản thích hợp, dựa trên nguyên tắc tăng trưởng xanh.
Công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. |
Bên cạnh đó, chia sẻ thêm bên lề Hội thảo, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, đối với Quảng Ngãi thì công nghiệp là lĩnh vực được quan tâm và chú ý hơn cả, đặc biệt là một số lĩnh vực đang giữ vai trò trọng yếu như lọc hóa dầu, gần đây và sắp tới là thép và một số lĩnh vực khác. “Những vấn đề hôm nay, nhưng có thể xung đột ngày mai. Tăng trưởng nhanh nhưng phải xanh, phải bền vững. Đồng thời không chỉ lấy người dân làm trung tâm, mà tất cả người dân Quảng Ngãi phải được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, phát triển”. TS. Thành nói.
Lê Danh
Theo