(Xây dựng) – Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua Quảng Bình dài hơn 126,34 km với 3 dự án thành phần gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ đang vướng về giải nhiều diện tích đất rừng và đất trồng lúa…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. |
Trước những khó khăn trên, ngày 28-29/6, ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác tiến hành khảo sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Cùng đi có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ và đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, cùng lãnh đạo các cấp của tỉnh Quảng Bình.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 qua Quảng Bình dài hơn 126,34 m với 3 dự án thành phần gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, đi qua địa bàn 36 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Ban Quản lý Dự án 6 làm chủ đầu tư 2 đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh; Ban Quản lý Dự án 85 làm chủ đầu tư đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.
Căn cứ theo hồ sơ xác định hướng tuyến, phạm vi của dự án do chủ đầu tư cung cấp cùng bản đồ địa chính các địa phương, để thực hiện 3 đoạn cao tốc qua Quảng Bình thì diện tích cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa là 624,81ha. Trong đó, đất rừng sản xuất 368,26ha; đất rừng phòng hộ 69,89 ha; 117,26ha rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng; đất trồng lúa hai vụ trở lên 50,98ha, đất trồng lúa nước còn lại 19,32ha.
UBND tỉnh cũng đã có hồ sơ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án. Trong đó, tổng diện tích cần chuyển mục đích dự kiến 1.115,18ha, và có báo cáo nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa gửi Bộ Giao thông Vận tải phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Đoàn công tác kiểm tra thực tế nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, đất trồng lúa của Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vũng Áng – Bùng. |
Chiểu 28/6, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã kiểm tra thực tế nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án đường bộ cao tốc đoạn tuyến Vũng Áng - Bùng tại xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch). Khu vực điều tra hiện trạng rừng trên phạm vi ranh giới tuyến gồm có 573 lô, thuộc 45 khoảnh, 34 tiểu khu; đi qua địa bàn 17 xã thuộc các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn; trong đó có 303 lô có rừng.
Diện tích thực hiện dự án là 346,04ha; trong đó: Diện tích có rừng đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng là 152,50ha gồm: 11,84ha rừng tự nhiên và 140,66ha rừng trồng.
Ngày 29/6, tại tỉnh Quảng Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn tuyến từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Quy mô đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 146 nghìn tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.
Để triển khai dự án, các tỉnh cần chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.054ha đất rừng, gần 1.864ha diện tích đất lâm nghiệp và hơn 1.537ha diện tích trồng lúa nước. Riêng tại các tỉnh Bắc miền Trung, diện tích đất rừng cần chuyển đổi khá lớn, trong đó có nhiều diện tích rừng phòng hộ.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã báo cáo về quy trình lập và thẩm định hồ sơ. Đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh thành đã thảo luận, làm rõ diện tích, chất lượng rừng và diện tích đất lúa cần chuyển đổi; giải pháp đối với đất quốc phòng; giải pháp đối với sinh kế người dân sau khi chuyển đổi diện tích đất rừng, đất trồng lúa nước.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Về hướng tuyến dự án, ở báo cáo nghiên cứu khả thi so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản không có sự thay đổi, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật; tuy vậy có một đoạn tuyến đi qua rừng phòng hộ, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần tính toán, đề xuất phương án phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi rừng phòng hộ.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án, qua khảo sát thực tế, báo cáo của đơn vị tư vấn và nghiên cứu tài liệu cho thấy có sự chênh lệch về diện tích, cần phải rà soát, bóc tách, kiểm tra kỹ lưỡng để cập nhật đầy đủ, chính xác vào hồ sơ dự án; làm rõ trong hồ sơ về diện tích cụ thể rừng và đất rừng chuyển đổi, mỏ vật liệu. Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn cần cập nhật, bổ sung đầy đủ các vấn đề phát sinh có liên quan đến chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên, phương án trồng rừng thay thế.
Nhất Linh
Theo