(Xây dựng) - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương huyện, thành phố chú trọng phát triển vật liệu xây dựng, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nhằm đảm bảo hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy gạch không nung ép tĩnh của Công ty TNHH Thương mại đầu tư Somi, công suất thiết kế 15 triệu viên/năm. |
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất gạch được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo quy định chuyên ngành, với công suất thiết kế khoảng 348 triệu viên/năm; 48 mỏ cát xây dựng đang khai thác tại các địa phương, sản lượng chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu sử dụng của tỉnh; về đá xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 49 mỏ đá đang khai thác tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa với công suất 3,2 triệu m3/năm, tuy nhiên hoạt động khai thác thực tế trong những năm qua đã vượt qua con số này.
Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng chủ yếu của tỉnh và tiến tới đưa các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh ra các tỉnh lân cận.
Xác định nhu cầu vật liệu xây dựng đến năm 2025 là 405 triệu viên gạch/năm, định hướng đến năm 2030 đảm bảo cân đối giữa vật liệu xây không nung trên tổng sản phẩm vật liệu xây, ưu tiên đầu tư vật liệu xây không nung loại nhẹ, đa dạng chủng loại, tỉnh có kế hoạch giữ nguyên 14 nhà máy gạch tuynel hiện đang hoạt động trên địa bàn, đồng thời nghiên cứu phát triển sản xuất gạch đất sét nung bằng nguyên liệu đất đồi và phế thải công nghiệp.
Tiếp tục duy trì hoạt động của 20 cơ sở sản xuất gạch không nung, đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, khuyến khích sản xuất gạch bê tông nhẹ, các loại gạch có kích cỡ lớn.
Đối với đá xây dựng, xác định tổng nhu cầu đến năm 2025 là hơn 2,5 triệu m3 và trên cơ sở dự báo nhu cầu đá xây dựng trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục rà soát, bổ sung các điểm mỏ, tổ chức đánh giá trữ lượng, cấp phép thăm dò khai thác.
Tiếp tục duy trì hoạt động của 49 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và giấy phép thăm dò khoáng sản, phải đảm bảo công suất thiết kế đã đăng ký. Khai thác tại các điểm mỏ đúng theo quy hoạch được duyệt và cấp phép; sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, được công bố hợp chuẩn, hợp quy.
Về cát xây dựng, theo dự ước tổng nhu cầu sử dụng đến năm 2025 khoảng 1,86 triệu m3. Đi đôi với khai thác, tỉnh quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong công tác cấp phép, quản lý, hoạt động khai thác cát. Việc khai thác tại các điểm mỏ phải đúng theo kế hoạch đã được duyệt và được cấp phép, đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng địa phương.
Các cơ sở khai thác cát, sỏi phải đưa công nghệ khai thác, chế biến có hệ thống xử lý giảm hàm lượng bụi, bùn, sét; sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phải được công bố hợp quy. Khuyến khích và tạo điều kiện về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng với quy mô công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ông Lê Minh Châu - Phòng Quản lý nhà, bất động sản và vật liệu (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) cho biết: Việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 103 đơn vị khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động sản xuất ổn định, đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, bán ra tỉnh ngoài và xuất khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi khó khăn; tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 15.000 lao động tại các địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Cát, sỏi lòng sông tới đây sẽ phải xử lý giảm hàm lượng bụi, bùn, sét trước khi cấp đến các công trình. |
Do nhu cầu cát dùng cho xây dựng tăng nhanh, để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, hạn chế việc khai thác cát trái phép, năm 2018, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; đề tài này đang được Hội đồng khoa học cấp tỉnh quan tâm, đánh giá.
Ngoài ra, do hệ thống hạ tầng của tỉnh hiện nay chưa đồng bộ nên trong giai đoạn tới vẫn cần một khối lượng lớn các sản phẩm bê tông cấu kiện, bê tông thương phẩm với các chủng loại, như: cột điện, ống cống, bó vỉa hè, giải phân cách, cọc móng, bê tông tươi... phục vụ nhu cầu bê tông trong xây dựng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước.
Nhất Linh
Theo