Thứ tư 22/03/2023 23:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quản lý nhà, đất công sẽ không còn “mỗi nơi một kiểu”

14:46 | 07/10/2022

(Xây dựng) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nghị định được ban hành sẽ tạo lập cơ sở pháp lý giúp tăng tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất công hiện nay.

quan ly nha dat cong se khong con moi noi mot kieu
Ảnh minh họa.

Đánh giá về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất công, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, các cơ quan, đơn vị quản lý tài sản nhà công vụ (quỹ nhà ở) được Nhà nước giao thực hiện thống nhất, có sự phân công, phân cấp rõ thẩm quyền trong quản lý và sử dụng.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, định mức về chế độ hiện hành; tài sản được mở sổ theo dõi cập nhật đầy đủ.

Đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cũng được các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả, không bố trí cho thuê sai đối tượng, nhà ở không bị lấn chiếm, chiếm dụng.

Việc quản lý nguồn tiền thu được từ việc cho thuê nhà ở đúng theo quy định, trong đó trích một phần cho công tác quản lý, sửa chữa bảo trì nhà ở, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Đối với quỹ nhà không để ở, việc khai thác, sử dụng đã đáp ứng nhu cầu về diện tích kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân, làm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương từ nguồn cho thuê nhà, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước; hướng tới đưa ra bán đấu giá các cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng theo phương án được duyệt nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng về quản lý nhà, đất công

Mặc dù đạt nhiều kết quả tốt, nhưng theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc quản lý sử dụng quỹ nhà, đất công cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Đơn cử như chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể trong kiểm tra nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Việc duy tu, sửa chữa những nhà tập thể trước đây đã bán cho hộ dân tầng trệt, trong khi các tầng lầu vẫn còn thuộc sở hữu nhà nước hiện sở xây dựng đang cho thuê gặp khó khăn trong việc sửa chữa vì chi phí nhiều, có nhiều chủ sở hữu, cơ chế chính sách hiện nay chưa có quy định chi tiết.

Chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng trong việc giao cho công ty kinh doanh nhà là công ty cổ phần để quản lý đối với nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho thuê nhà ở, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thếp trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, tại các địa phương hiện đang tồn tại một số quỹ nhà, đất tiếp quản từ chế độ cũ, hoặc nhà, đất được xác lập sở hữu toàn dân, hoặc quỹ nhà, đất nhận giao lại từ chủ đầu tư các khu đô thị mới…

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế cụ thể nên các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất này chưa có sự thống nhất.

Cụ thể, có địa phương thực hiện đấu giá cho thuê, có địa phương lại không; có địa phương ban hành bảng giá cho thuê nhà, đất, có địa phương không.

Hơn nữa, việc điều chỉnh bảng giá cho thuê còn nhiều bất cập, chưa kịp thời và điều chỉnh theo thị trường…

Cần thống nhất quy định về quản lý nhà, đất công

Việc thiếu các quy định cần thiết để quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất đã tác động lớn tới quá trình hình thành, sử dụng, khai thác, vận hành và xử lý tài sản, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, tại Công văn số 1631/TTg-CN ngày 15/11/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng chế độ quản lý, sử dụng đối với nhà, đất giao cho các công ty quản lý, kinh doanh nhà quản lý; đồng thời để thống nhất cơ chế trong quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất chuyên dùng.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã đề xuất, báo cáo với Thủ tướng xây dựng một nghị định để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Hiện Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã dự thảo sơ bộ nội dung nghị định và đang trình Bộ Tài chính xem xét.

Nghị định sẽ bao gồm các nội dung chính: Quy định về việc phân loại nhà, đất đang giao cho tổ chức có chức năng, quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý; quy định về việc giao nhà, đất cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương (đơn vị sự nghiệp, công ty quản lý, kinh doanh nhà) quản lý; quy định về các hình thức quản lý, khai thác nhà, đất; quy định về việc xác định giá cho thuê, đấu giá cho thuê; quy định về hạch toán, theo dõi, bảo trì tài sản; quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng trên diện tích nhà, đất cho thuê; quy định về việc xử lý nhà, đất; quy định về việc quản lý sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác nhà, đất; chế tài xử lý các hành vi vi phạm; quy định về xử lý chuyển tiếp.

Phân tích sâu hơn về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, ông Thịnh cho biết, dự thảo nghị định quy định tổ chức, cá nhân được tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương cho thuê nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuê nhà theo đúng thời hạn quy định tại hợp đồng thuê nhà.

Nếu quá thời hạn thanh toán mà tổ chức, cá nhân thuê nhà chưa thanh toán, thì phải nộp khoản tiền chậm nộp.

Khoản tiền chậm nộp được xác định tương ứng với việc xác định số tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ nguồn thu từ khai thác nhà, đất công, dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định hàng năm, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán các khoản thu, chi để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
  • Mức độ quan tâm đất nền sụt giảm nhưng giá vẫn cao

    Thị trường đất nền đang chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư rao bán đất với giá cắt lỗ ngày càng nhiều.

  • Cần quy định bổ sung nguồn tài chính cho phát triển quỹ đất

    Cần có quy định bổ sung một số “nguồn tài chính khác” cho “Quỹ phát triển đất” như dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương, hoặc đề nghị Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của “Tổ chức phát triển quỹ đất”.

  • Chống ‘quây tôn’ và đầu cơ đất

    Một vấn đề lớn khác được cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo hướng mở rộng các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, giới hạn thuê đất trả tiền một lần nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW.

  • NHNN chỉ đạo cấp tín dụng cho dự án bất động sản đủ pháp lý

    Trước đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng cho ngành bất động sản của cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án đủ điều kiện.

  • Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Đất đai: Đất dự án phát triển nhà ở vùng nông thôn sẽ thế nào?

    (Xây dựng) - Lâu nay thường nói tới đất dự án nhà ở khu vực đô thị, còn đất dự án nhà ở vùng nông thôn sẽ thế nào? Điều kiện chuyển quyền sử dụng đất ra sao trong nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến đóng góp? Là doanh nghiệp chuyên phát triển dự án nhà ở tại những vùng nông thôn, doanh nhân Nguyễn Nam Phương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lan Anh, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những góp ý Luật Đất đai sửa đổi đáng chú ý.

  • Hà Nội: Tăng cường giải quyết các thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho người dân

    (Xây dựng) - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa có Thông báo số 95/TB-VP về Kết luận của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load