Thứ sáu 08/11/2024 03:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Phòng chống lũ lụt và biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm của nước Anh

09:34 | 04/11/2020

(Xây dựng) - Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đã và đang chủ động đối phó với BĐKH và coi đó là nhiệm vụ quốc gia. Mỗi quốc gia do đặc thù riêng sẽ có những cách thực hiện khác nhau nhưng có thể tham khảo mô hình của nước Anh là ví dụ tốt về chủ đề nêu trên.

phong chong lu lut va bien doi khi hau kinh nghiem cua nuoc anh

Ứng phó bão lụt

Là một quốc gia có mưa nhiều nhưng lượng mưa thấp. Trong năm 2014, lại là sự khác biệt, nước Anh lúc ấy có lượng mưa lớn nhất trong 248 năm, gây úng lụt cho hàng vạn hộ gia đình và thiệt hại 1,1 tỷ Bảng. Điều này đã buộc chính quyền nước này phải có giải pháp sáng tạo hơn trong các cách chống lụt.

Hệ thống đê điều di động. Có vô số sáng kiến được trưng cầu và một trong số đó là làm hệ thống đê và đập di động để chống lụt và nước tràn. Họ đã vào cuộc giải pháp này và hiện xung quanh Thủ đô London đã có các loại đập chắn linh hoạt trên sông Thames. Điều kỳ diệu là hệ thống này có thể đóng, mở, nâng lên, hạ xuống, xoay chuyển các tấm chắn để tháo dòng nước, tùy thuộc vào mức độ nước mà các chuyên gia tiên đoán và tùy vào nhu cầu chính quyền muốn nước tháo đến đâu. Điều này ngăn lụt lội cho Thủ đô đáng kể. Điều đáng nói ở đây là các bộ phận này khi tiếp nhận nước trở nên có trọng lượng nặng, từ đó giữ được khung vỏ đập ngay tại chỗ. Loại tấm chắn linh hoạt sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao bờ đê để bảo vệ vùng dân cư khỏi ngập. Đây là cách dùng chính nguồn nước lụt để ngăn chặn nước lụt.

Dẫn dụ dòng nước. Bên cạnh đó, người ta đã điều chỉnh dòng lũ rất tài tình. Họ tính đến một giải pháp mang tính hệ thống. Các vùng miền Trung của nước này nằm xa sông lớn nên việc điều tiết dòng nước lụt khi các sông nhỏ bị tràn bờ là rất cần thiết. Họ đã áp dụng hệ thống liên hoàn của các tấm chắn, đập di động và cửa tháo lũ để kiểm soát cho nước chảy vào đồng ruộng và vùng đất trũng. Cách chống lụt này được cho trên nguyên tắc “tạo điều kiện là một không gian cho dòng nước” đã từng được áp dụng ở Anh, Đức, Hà Lan từ 1999. Đây có thể gọi là cách “sống chung với lũ” bởi nguyên lý là không thể nào kháng cự hoặc cưỡng bức dòng chảy của nước, vì thế họ đã tạo ra một vùng để cho nước “thỏa sức” tràn vào, cứ thế tuôn đi một cách tự nhiên, chỉ có điều họ dẫn dụ dòng nước theo chủ ý chảy vào nơi mong muốn.

Luật chống lụt. Cùng với đó, Luật chống lụt ở Anh buộc các công ty xây dựng phải tính toán và thực hiện nghiêm minh. Người ta quy định các công ty xây dựng phải tính đến khoảng không gian và mặt đất cho dòng nước thẩm thấu. Thiết kế phải làm sao đó để dòng nước từ mái nhà được dẫn dụ chảy đến khu vực có mặt đất, từ đó nước thẩm thấu qua các công viên, khu cây xanh đường phố chứ không đổ thẳng xuống cống ngầm. Đây là biện pháp được áp dụng khá chỉn chu và nghiêm minh, nhờ đó, công tác phòng chống lũ lụt được cải thiện đáng kể.

Ứng phó trong BĐKH

Bộ ba luật pháp đối phó với BĐKH. Chính quyền đô thị ở Anh nhận thức rằng việc cải thiện môi trường của nhiều thị trấn, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cho phép đô thị của họ thích ứng với vấn đề toàn cầu về BĐKH. Vì lý do đó, toàn bộ các đô thị đã thiết lập kế hoạch hành động dựa trên chỉ tiêu: Các tòa nhà cần phải thiết kế xây dựng sao cho hiệu quả bền vững; tiêu thụ ít năng lượng hơn; quy hoạch đô thị hiệu quả sao cho giảm sự cần thiết di chuyển ở mức quá xa; không gian xanh khai thác tối đa nhất. Từ mục tiêu đó, Chính phủ đã cho ra đời đạo luật, chính sách quốc gia để đối phó với vấn đề toàn cầu - Luật BĐKH được ra đời vào cuối 2008.

Luật BĐKH ràng buộc pháp lý về mặt giảm phát thải nhà kính ít nhất 80% vào năm 2050, giảm lượng khí thải CO2 ít nhất 26% vào năm 2020. Một hệ thống ngân sách carbon cho thời gian 5 năm với ba dòng ngân sách được thiết lập tại một thời điểm tạo ra một quỹ đạo liên tục đến năm 2050. Một Ủy ban về BĐKH độc lập là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức ngân sách carbon và tiết kiệm chi phí hiệu quả để thực hiện được mục tiêu. Ủy ban này hàng năm trình báo cáo Quốc hội về sự tiến bộ của nước Anh đối với các mục tiêu và ngân sách mà Chính phủ phải trả lời với người dân Anh và thế giới, qua đó đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm quốc gia.

Luật BĐKH còn bao gồm các biện pháp giảm lượng khí thải carbon thông qua chính sách kinh doanh phát thải trong nước, biện pháp về nhiên liệu sinh học, các đề án thí điểm khuyến khích tái chế rác thải sinh hoạt. Chính phủ phải báo cáo ít nhất 5 năm một lần về các rủi ro liên quan đến BĐKH và công khai chương trình hành động để giảm thiểu những tác động này. Cùng với đó là Luật Năng lượng bổ sung cho Luật BĐKH. Luật Năng lượng liên quan đến những khía cạnh pháp lý cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng và giảm lượng khí thải carbon bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng carbon thấp. Điều này tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho phép đầu tư tư nhân trong các dự án nhằm tăng cường hướng tới năng lượng tái tạo và phát triển xanh trên toàn quốc, tẩy chay phương pháp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Luật Quy hoạch mới cũng ra đời, bổ sung cho bộ 3 luật pháp của Chính phủ để củng cố chiến lược năng lượng dài hạn và chiến lược đối phó với BĐKH của Anh. Luật Quy hoạch quy định nhiệm vụ cho các hội đồng địa phương cần phải có kế hoạch hành động về BĐKH trong từng quy hoạch phát triển không gian.

Những giải pháp cộng sinh. Phải nói rằng từ chính quyền đô thị ở mức cao nhất đến thấp nhất và các cộng đồng dân cư ở Anh đều đồng lòng quyết tâm vì một quốc gia có môi trường lành mạnh và quyết tâm chiến thắng với BĐKH. Cam kết của Chính phủ về xây dựng nhà ở bền vững bắt đầu từ Chương trình cộng đồng thiên niên kỷ vào năm 1997. Nghị định Nhà ở bền vững có hiệu lực vào tháng 4/2007. Chương trình thành phố sinh thái của Chính phủ đồng thời được triển khai như là một phần đối phó với những thách thức của BĐKH. Mục tiêu đặt ra cho 5 đô thị sinh thái vào năm 2016 và 10 đô thị sinh thái vào năm 2020 là một phần của kế hoạch xây dựng 3 triệu ngôi nhà sinh thái vào năm 2020.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load