Thứ hai 09/09/2024 17:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở

16:13 | 11/08/2024

(Xây dựng) – Sau khi khảo sát các điểm sạt lở và nghe lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau báo cáo tỉnh hình sạt lở, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ khó khăn với các địa phương đang đối mặt với những thiên tai như sạt lở, sụt lún… Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Do đó, các Bộ, ngành và các tỉnh cần tính toán một cách tổng thể, căn cơ, lâu dài.

Cần làm tốt công tác dự báo sạt lở bờ biển, kiên quyết di dời dân cư ra khỏi vùng xung yếu
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát tỉnh hình sạt lở tại huyện Đông Hải.

Địa phương đang “khát vốn”

Ngày 11/8, tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương làm việc với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về khảo sát đê biển và kiểm tra tình hình sạt lở. Sau khi khảo sát một số điểm nóng xảy ra sạt lở tại Bạc Liêu – Cà Mau, Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác có buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau báo cáo, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm là 83,85km. Cụ thể, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22km; bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85km. Riêng sạt lở bờ sông có đến 355 điểm sạt lở, trong đó có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724ha. Về tình hình sụt lún do hạn hán mùa khô năm 2023 - 2024, ông Lê Văn Sử cho biết, do không có nguồn nước ngọt bổ sung nên với tình trạng hạn hán kéo dài, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt một số nơi người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xác định, qua thống kê, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600km. Tỉnh xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến 28.000 tỷ đồng. Hơn 10 năm qua, năm nào tại Bạc Liêu cũng xảy ra các vụ sạt lở và sụt lún đất ở các khu vực ven bờ sông và đê biển Đông. Đáng lưu ý, trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng hơn.

UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ 3.436 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đối với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 79,674km. Cụ thể, Dự án xây dựng đoạn kè G6, địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chiều dài 3km; Dự án xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu khu vực thị xã Giá Rai, chiều dài 5km; Dự án xây dựng kè 2 bên bờ kênh 30/4 thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, chiều dài 5,2km; Dự án xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường cho 5 xã phía Tây huyện Đông Hải, chiều dài đê sông 66km; Dự án xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng chống sạt lở, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, chiều dài tuyến kè 474m...

Cần làm tốt công tác dự báo sạt lở bờ biển, kiên quyết di dời dân cư ra khỏi vùng xung yếu
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát điểm sạt lở tại huyện Đầm Dơi.

Phải thực hiện đúng nguyên tắc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã chỉ ra những nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện các công trình, dự án đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn… lấy ý kiến các địa phương. Trong đó có đưa ra các giải pháp kể cả về công trình, phi công trình, vốn, cơ chế chính sách. Quan điểm của Bộ là giải quyết dứt điểm sạt lở bờ biển Tây, gồm có Kiên Giang và Cà Mau. Hiện bờ biển Đông sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn ở Bạc Liêu và Cà Mau. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề nghị, việc phòng, chống sạt lở phải có giải pháp căn cơ chứ không nên theo kiểu đầu tư “giật gấu vá vai”, khi xảy ra mới làm.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ khó khăn với các địa phương đang đối mặt với những thiên tai như sạt lở, sụt lún… Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Do đó, các Bộ, ngành và các tỉnh cần tính toán một cách tổng thể, căn cơ, lâu dài. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhắc nhở: “Do đó, chúng ta phải tính toán tổng thể, căn cơ, bền vững, lâu dài, đồng bộ cả Trung ương và địa phương; việc đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, không làm cắt khúc rất lãng phí. Phải dự báo tình hình sạt lở càng sớm càng tốt, chính xác sẽ có giá trị. Việc này không tốn nhiều tiền, nhưng nếu làm không tốt sẽ rất thiệt hại, kể cả sinh mạng của người dân. Việc di dời người dân ở vùng sạt lở, nguy cơ là cấp thiết, bên cạnh đó là chăm lo sinh kế. Việc đầu tư kinh phí, phải làm đúng nguyên tắc, trong đó xếp thứ tự ưu tiên dự án nào cấp bách nhất làm trước”.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load