(Xây dựng) - Như tin đã đưa, ngày 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024.
Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. |
Kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực
Theo đó, kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội đã giao cho Chính phủ 4 - 4,5%.
Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đặc biệt hiện nay theo con số thống kê đã tăng đạt 6,8%, trong khi năm 2023 giảm 2%.
Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, trong tháng 5 khách quốc tế đã đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, là năm chúng ta có kết quả thành công nhất trước đại dịch. Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD, tăng 16,6%. Xuất siêu trên 8,01 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đến bây giờ đạt 52,8% dự toán và tăng 14,8%, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tại Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm vừa qua.
Vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch và đây cũng là mức cao hơn cùng kỳ với năm trước…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. |
Đề xuất Quốc hội hiệu lực sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng
Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép để có hiệu lực sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng để khơi thông các nguồn lực đất đai.
Chính phủ tập trung giải quyết các dự án vướng mắc về pháp lý, đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho phép giải phóng các dự án từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội về đất đai.
Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiến tạo, thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng.
Chính phủ đồng thời đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh dẫn đến tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân…
Gắn chi tiêu về phát triển nhà ở xã hội và chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương
Nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc đã được các đại biểu Quốc hội, cử tri nêu ra trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính.
Bảm bảo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ triển khai có hiệu quả chính sách với người có công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo. Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp và công nhân, học sinh. Gắn chi tiêu về phát triển nhà ở xã hội và chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương.
Trong tháng 6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, cơ chế, ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội; Nghiên cứu thành lập các quỹ về phát triển nhà xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội…
Chính phủ đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; Đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng ngành du lịch bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên tự nhiên và văn hóa, con người Việt Nam; Mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện như mua bán điện trực tiếp, từng bước tạo thị trường điện bán lẻ cạnh tranh; chính sách thu hút người dân tham gia đóng góp xây dựng điện áp mái…
Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, thiếu xăng trong mọi tình huống và phải đảm bảo dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng thiết yếu này; Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, như năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược…
Tập trung giải quyết thách thức về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Chính phủ đặc biệt tập trung giải quyết thách thức về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Phó Thủ tưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ở nhiệm vụ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã, đang và sẽ chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong quản lý môi trường lưu vực sông, trong vấn đề quản lý các loại chất thải, với nguyên tắc là chất thải là tài nguyên, những khu vực môi trường ô nhiễm thì không được phát thải ra môi trường, vượt quá hạn ngạch xả thải…
Đầu tư hạ tầng thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, bổ sung nước tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan các dòng sông qua các đô thị; Chú trọng phân loại rác tại nguồn, tăng cường xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên…
Đối với ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đồng bằng, đường sông, bờ biển ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp tổng thể, đồng bộ, công trình và phi công trình.
Với cách tiếp cận tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến phát triển đồng bộ hạ tầng giúp Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi theo 3 vùng kinh tế và sinh thái.
Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Bố trí vốn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai các dự án cấp bách trong khuôn khổ các chương trình đầu tư nhà nước và ODA đã nói trên mà chưa đủ kinh phí.
Sửa đổi Luật Địa chất, khoáng sản để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trước mắt điều phối và thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép tại các nghị quyết Quốc hội, nghiên cứu, thử nghiệm xử lý môi trường, sử dụng nguồn cát biển, tận thu các nguồn cát từ hoạt động nạo vét luồng lạch, nội thủy, cửa sông. Về lâu dài Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn, phát huy tiềm năng giao thông thủy với giao thông bộ.
Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường nỗ lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, sớm hoàn thiện các quy định về định giá, quản lý giao dịch tín chỉ carbon, phát triển thị trường carbon, nghiên cứu khả năng áp dụng thuế carbon, thu hút và sử dụng hợp lý nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn để giảm phát thải khí, bảo vệ môi trường, tạo ra tài chính xanh…
Tập trung cao độ, chỉ đạo để hoàn thành được xây dựng các văn bản dưới luật
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhận thức được tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, để khơi thông các nguồn lực cho phát triển trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ, chỉ đạo để hoàn thành được xây dựng các văn bản dưới luật, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Đến nay, các văn bản quy định chi tiết đã đủ điều kiện để ban hành. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này một số vấn đề quan trọng.
Thứ nhất là Luật Sửa đổi điều khoản thi hành, cho phép các luật này có hiệu lực sớm hơn kể từ ngày 1/8/2024 theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hơn so với trước là 5 tháng.
Trình xem xét, thông qua nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở.
Trình xem xét, thông qua nghị quyết Phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện các quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật sửa đổi nhiều luật, như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thuế…
Quý Anh
Theo