Thứ ba 05/11/2024 09:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

“Phố núi dài hun hút... Pleiku ơi...!”

15:16 | 04/06/2020

(Xây dựng) - Pleiku bây giờ vẫn những con dốc ấy nhưng nhà cao tầng mọc lên, làm con dốc có vẻ lùn xuống. Đâu còn dáng vẻ liêu xiêu, chênh vênh của Phố Núi xưa.

pho nui dai hun hut pleiku oi
Góc phố Pleiku. Ảnh: Trần Tiến

"Phố núi cao phố núi trời gần

Phố xá không xa nên phố tình thân

Đi dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng"

Tôi xa Pleiku đã quá lâu rồi...

Mỗi lần nhớ Pleiku là tôi nhớ con dốc Hội Phú, xưa mỗi lần đi học về ngồi sau xe đạp mạ chở, leo con dốc dài mướt mải. Lên đến đỉnh dốc, đứng trước nhà thờ Thánh Tâm mạ mua cho ổ bánh mì lót dạ rồi chờ mạ vô chợ Gà Cồ mua đồ ăn cho bữa chiều. Pleiku, không chỉ là phố mà là cả những giọt mồ hôi lấm tấm lưng áo mạ, thuở xưa.

Những người từng gắn bó với Pleiku đi xa, nay trở lại, vẫn khắc khoải về một Phố Núi những năm 1980 đầu 1990. Nó không khác nhiều Pleiku những năm trước giải phóng trong thơ Vũ Hữu Định: “phố núi cao phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật gần". Hồi đó, Phố Núi - Pleiku cũng chỉ loanh quanh vài con đường chính, như Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú... còn lại là những con đường nhỏ gập ghềnh đá xanh. Gọi là phố nghe cho sang, chứ thực ra, ngoài hai bên đường phố chính Hùng Vương chỉ một vài ngôi nhà hơi cao cao như rạp chiếu phim Diệp Kính, trường Trung học Pleiku… còn lại toàn là những ngôi nhà trệt cũ kỹ, lợp tôn mè có từ lâu lắc. Nhưng Pleiku hồi đó sao mà nhiều sương. Buổi sáng, tới tận 8 giờ, 9 giờ sương mới tan. Còn buổi chiều, lạnh đến kinh khủng, nhất là vào những ngày tháng cuối năm, trước Tết tây độ vài tuần. Chắc có lẽ vì lạnh nên Phố Núi đã ban cho con gái nơi này làn da trắng, má hây hây đỏ, môi hồng và đôi mắt sáng như trong thơ của Định.

Pleiku của ngày đó gần như nguyên vẹn hình hài của mấy chục năm từ khi hình thành. Mọi thứ gần như còn nguyên từ hồi mới tiếp quản sau 1975. Chỉ duy nhất khác là tòa nhà 5 tầng cao nhất hồi đó được xây dựng phục vụ cho dự án Thủy điện Yali mà bây giờ là Khách sạn Sê San. Tôi vẫn nhớ như in bên kia đối diện là bưu điện có 3 cây thông trước cổng với quán cafe cóc nhạc Trịnh, mùi cafe ngào ngạt vấn vương sang cả những khu phố xung quanh. Nơi đó, tôi có những “buổi chiều ngồi ngóng từng chuyến mưa qua”, tôi bó gối trên chiếc ghế đẩu xỉn màu, nhìn những giọt cafe nguyên chất nâu đen nhỏ long tong xuống ly thủy tinh, chỉ nhìn thôi đã thấy đê mê rồi. Cái thứ cafe sánh đặc, thơm ngọt, đăng đắng ngấm từ đầu lưỡi, rồi đọng mãi trong cuống họng quả thật đến chết vẫn không thể quên! Ký ức về Núi không thể thiếu những khắc khoải về những ly cafe, như thế.

Pleiku bây giờ vẫn những con dốc ấy nhưng nhà cao tầng mọc lên, làm con dốc có vẻ lùn xuống. Đâu còn dáng vẻ liêu xiêu, chênh vênh của Phố Núi xưa. Những hàng thông cổ kính trong lòng Phố Núi giờ cũng không còn nữa. Thông ít đi, sương mù cũng ít đi, Pleiku cũng ít thơ mộng hơn, mất đi một ít “bản sắc” vốn đã mặc định trong tâm trí người Pleiku đi xa. Quán cafe Kim Liên, Thu Hà, Uyên… giờ vẫn còn đó, nhưng không còn nét riêng, hay nói cách khác là đã hòa nhập vào kiểu thiết kế thời thượng của những quán cafe kiểu mới: bàn cao, ghế cao, sofa...

Cuộc sống thì luôn thay đổi mà ký ức mãi không chịu lớn theo nên có gì đó cứ mất mát, tuột khỏi tay mình mà không làm sao níu được. "Thèm về Pleiku quá!" - cứ mỗi lần mạ than thở là ký ức tôi như thắt lại. Cái thứ cảm giác mà như nếm được vị cafe đăng đắng, mắt như đang được ngắm nhìn con dốc Hội Phú nghiêng nghiêng trong chiều, thấy bầu trời Pleiku chan một chút nắng chín vàng sau cơn mưa dài.

Tôi sẽ về chẳng hề chi tiếc tuổi

Nửa câu thơ... ừng ực uống trăng rừng

Lật tung chiều tìm dáng xưa em đứng

Phố núi dài hun hút... Pleiku ơi...!.

Bá Kiên

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load