Thứ hai 29/04/2024 20:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên

11:37 | 08/12/2023

(Xây dựng) - Ngày 7/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2045. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định.

Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định.

Đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2045. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung là phạm vi thuộc ranh giới hành chính của toàn thành phố Buôn Ma Thuột, bao gồm 13 phường và 8 xã, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 37.709ha, với ranh giới bao gồm: Phía Bắc giáp huyện Cư M’gar; Phía Nam giáp huyện Krông Ana, Cư Kuin; Phía Đông giáp huyện Krông Pắc; Phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, “thành phố Cà phê của thế giới” và là một trong những trung tâm của cả nước và khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong; với vai trò là trung tâm về dịch vụ (du lịch, tài chính, logistics), công nghiệp chế biến và nông nghiệp đặc trưng sản phẩm đặc trưng chất lượng cao; địa bàn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Tây Nguyên; trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của Tây Nguyên; phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị sinh thái, xanh, sạch, phát triển bền vững, đặc sắc riêng của Tây Nguyên, với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Cùng với đó, phát triển đô thị bền vững; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, vừa đảm bảo tầm nhìn và chiến lược dài hạn; vừa định hướng, tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp cho các vấn đề đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường… một cách hiệu quả và đồng bộ trong ngắn hạn và trung hạn; tạo cơ sở pháp lý về quy hoạch để triển khai các bước tiếp theo của công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch.

Về tính chất, thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên - trung tâm dịch vụ tổng hợp cấp vùng, có vai trò thúc đẩy toàn vùng phát triển về công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm và năng lượng sạch; dịch vụ (du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao) và nông nghiệp chất lượng cao; là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng, trung tâm liên kết kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Đông Nam Trung bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế; là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, nơi người dân có mức sống cao, thuộc nhóm địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên và khá của cả nước; là đô thị có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Dự báo quy mô dân số, đến năm 2030 khoảng 563.000 người; đến năm 2045 khoảng 872.000 người. Về dự báo quy mô đất xây dựng đô thị, đến năm 2030, quy mô đất xây dựng khoảng 7.000 - 10.000ha. Đến năm 2045, quy mô đất xây dựng khoảng 10.000 - 15.000ha.

Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại Hội nghị.

Cần rà soát dự báo chỉ tiêu dân số

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Nhiệm vụ quy hoạch, về các nội dung: Làm rõ yêu cầu về kết nối vùng với các đô thị trung tâm; chú trọng về việc sử dụng đất an ninh, đảm bảo an ninh trật tự, chú ý về việc giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, đảm bảo an ninh khu vực biên giới; cần xây dựng mạng lưới giao thông liên quan đến tuyến giao thông quốc gia, nâng cao khả năng vận chuyển du lịch; làm rõ dự báo tăng trưởng dân số chính thức, xác định dự báo quy mô dân số liên quan đến hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội.

Cùng với đó, rà soát dự báo chỉ tiêu dân số, làm rõ quy hoạch các loại đất, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu người dân, đánh giá dự án triển khai giai đoạn trước, phối hợp với tư vấn rà soát tránh mâu thuẫn quy hoạch cao hơn; xác định vấn đề liên quan đến phát triển du lịch dịch vụ, logistic, yêu cầu của Nhiệm vụ quy hoạch, làm rõ mối quan hệ vùng với vùng Tây Nguyên, làm rõ quan điểm mục tiêu lập quy hoạch, động lực chính phát triển đô thị cần xem lại, mô hình cấu trúc phát triển cần làm rõ, không gian bảo tồn, không gian chia sẻ chức năng vùng; chú ý bảo tồn di sản, làng, bản, buôn, bổ sung nội dung tờ trình, làm rõ đặc trưng đô thị.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh Đắk Lắk sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung liên quan.

Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng yêu cầu địa phương đánh giá vấn đề liên quan đến kinh tế xã hội của thành phố Buôn Ma Thuật, làm rõ nội dung đánh giá cơ cấu; chú ý về chỉ tiêu dự báo dân số, đất đai, đánh giá hiện trạng trong thời gian qua, làm rõ vai trò trung tâm trong một số lĩnh vực giáo dục y tế và đặc biệt là yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn địa phương; chỉ tiêu đất xây dựng đô thị, đất dân dụng phải tiệm cận với chỉ tiêu đô thị loại I; chú ý vấn đề liên quan đến hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, lưu ý vấn đề áp dụng chỉ tiêu sử dụng đất, xác định nội dung đặc thù của địa phương, xác định yêu cầu nghiên cứu rõ ràng; cần khẳng định về phương án phạm vi lập quy hoạch, làm rõ căn cứ, lý do lựa chọn; bổ sung nội dung về hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cũng yêu cầu đơn vị tư vấn cùng chính quyền địa phương rà soát kỹ, hoàn thiện dự thảo Quyết định, thuyết minh, tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load