Thứ năm 26/12/2024 17:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đòi hỏi phải có đột phá mới

19:58 | 17/03/2022

(Xây dựng) – Ngày 17/03, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị cho ý kiến các dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

phat trien nong nghiep nong dan nong thon doi hoi phai co dot pha moi
Toàn cảnh Hội nghị cho ý kiến các dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết đã có nhiều nỗ lực trong việc tổng kết và xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 26 Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm; 15 cuộc làm việc với các Bộ, ngành địa phương; tổng hợp báo cáo của 28 Ban, Bộ ngành Trung ương, 26 báo cáo chuyên đề.

phat trien nong nghiep nong dan nong thon doi hoi phai co dot pha moi
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

Trên cơ sở các báo cáo, kết quả nghiên cứu, khảo sát và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW gửi xin ý kiến các cơ quan ở Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Ngày 19/01/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện NQ26. Hội nghị đã tiếp thu ý kiến góp ý bằng văn bản của 39 Ban, Bộ, ngành Trung ương; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến tại Hội nghị, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Ban chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Tổ Biên tập đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự cho ý kiến vào những nội dung chủ yếu như thống nhất đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết; Những thành công và hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

phat trien nong nghiep nong dan nong thon doi hoi phai co dot pha moi
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thông tin báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Những nội dung kế thừa và phát triển từ thực hiện Nghị quyết 26; xác định đúng vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế so sánh, khó khăn, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh mới, xu hướng mới…

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Do đó, ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị sẽ có ý nghĩa quan trọng để xây dựng Nghị quyết mới, trình Trung ương đề ra những chủ trương, định hướng lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao vị thế nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng nước ta trong thời kỳ mới.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thông tin Nguyễn Duy Hưng cho biết, Nghị quyết 26-NQ/TW đã hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt và vượt như thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4%; Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế như nông nghiệp phát triển chưa bền vững, xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, thu nhập, đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo một số nơi còn cao…

Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Duy Hưng đề nghị các đại biểu tham mưu về chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đòi hỏi phải có những đột phá, phù hợp với tình hình mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, tập trung vào các vấn đề quan trọng như tính thực tiễn, tạo ra giá trị mới, đột phá cho phát triển nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu tác động của tình hình thế giới và dịch bệnh.

Ý kiến của các cơ quan, Bộ, ngành cũng bàn về cơ cấu nền nông nghiệp, vấn đề đất đai, đầu tư thương mại dịch vụ, cơ chế tài chính. Một số ý kiến góp ý về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vấn đề đào tạo lao động ở nông thôn, tài chính, tín dụng ở nông thôn; phát triển sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, nhất là những vấn đề cần kế thừa, phát triển Nghị quyết 26-NQ/TW, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030 để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.

Dịch Phong – Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load