(Xây dựng) – Đó là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội thảo “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Hội thảo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới. |
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020, trong đó đề ra những mục tiêu, quan điểm, giải pháp cụ thể phát triến kiến trúc đô thị, nông thôn và kiến trúc công trình. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020, kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Trên cơ sở đó, Hội thảo “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức vào ngày 20/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp và các chuyên gia lĩnh vực kiến trúc nhằm xây dựng nội dung Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, xác định giải pháp để thực hiện hiệu quả trong tình hình mới.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được xây dựng dựa trên một số quan điểm, cụ thể như: Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời truyền bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới;
Phát triển kiến trúc với mục tiêu xây dựng đất nước bền vững, kết hợp chặt chẽ, cân bằng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo lập môi trường sống bền vững của nhân dân; bảo vệ môi trường, sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;
Phát triển nguồn nhân lực là then chốt; đào tạo nâng cao, thu hút và vinh danh, trọng dụng nhân tài;
Không ngừng sáng tạo, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện Việt Nam; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động kiến trúc tạo động lực phát triển mạnh mẽ nền kiến trúc Việt Nam;
Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, gìn giữ phát huy giá trị các di sản, nghệ thuật kiến trúc vật thể và phi vật thể, gắn giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ kiến trúc với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên;
Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hành nghề kiến trúc;
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động kiến trúc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chât kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của pháp luật.
Nhận định về sự phát triển kiến trúc Việt Nam thời gian qua, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết: Kiến trúc của Việt Nam còn phát triển tự phát, lộn xộn, thiếu bản sắc. Đứng trước thách thức của quá trình hội nhập, trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, kiến trúc Việt Nam cần sự phát triển đa dạng, không hỗn tạp; phong phú nhưng vẫn giữ bản sắc riêng của quốc gia, vùng miền.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đưa ra những góp ý xây dựng nội dung Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến xây dựng nội dung Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, các chuyên gia rất trăn trở cho kiến trúc tương lai, cho định hướng kiến trúc Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng: Định hướng không thể là khung cứng – cần hài hòa với môi trường hành nghề…Kiến trúc Việt Nam cần hội nhập, có bản sắc, bảo tồn các giá trị kiến trúc cho tương lai, hài hòa với môi trường, thiên nhiên…Định hướng cần đủ sức động viên, tạo cảm hứng, động lực như “lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc” của Hồ Chí Minh; cần ngắn gọn, đi vào lòng người, có sức thuyết phục; cần đổi mới tư duy trong vấn đề phát triển kiến trúc…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng trình bày một số tham luận với chủ đề: Tiến tới xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp phát triển kiến trúc Việt Nam, những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới; Nhận diện những vấn đề trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới; Quản lý và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc và kế thừa kiến trúc truyền thống trong kiến trúc; Thiên nhiên và con người, Định hướng kiến trúc Việt Nam; Khung định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam…
Thông qua Hội thảo, Bộ Xây dựng đã ghi nhận các ý kiến đóng góp từ tổ chức, cá nhân chuyên gia để có cơ sở xây dựng định hướng phát triển kiến trúc có giá trị trong tương lai.
Khánh Hòa – Tâm Bút
Theo