Thứ năm 07/11/2024 16:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Phát triển đô thị Biên Hòa hướng về sông Đồng Nai

10:52 | 19/03/2024

(Xây dựng) - Sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa có đặc điểm chảy xuyên qua lòng đô thị, nên từ lâu đã được xem là trục chính để phát triển hạ tầng, cảnh quan, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị ven sông với quy mô ngày càng lớn trong thời gian tới.

Phát triển đô thị Biên Hòa hướng về sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là một “báu vật” và là trục chính để phát triển đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị ven sông.

“Báu vật” phát triển đô thị thành phố Biên Hòa

Theo đó, thành phố Biên Hòa được định hướng trở thành trung tâm hành chính tập trung phát triển dịch vụ đô thị, du lịch sinh thái ven sông, y tế và giáo dục. Thành phố Biên Hòa cũng là một trong 4 đô thị động lực của tỉnh với chức năng chính là trở thành khu đô thị tập trung phát triển dịch vụ, du lịch kết hợp cảnh quan xung quanh sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa có chiều dài khoảng 4km. Với đặc điểm chảy xuyên qua lòng đô thị Biên Hòa, sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là một “báu vật” và là trục chính để phát triển đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị ven sông.

Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp những vấn đề thiết thực cho định hướng phát triển địa phương trong tương lai. Nhiều chuyên gia nhận định: Quy hoạch phát triển du lịch đường sông Đồng Nai là phát huy lợi thế của hệ thống kênh, rạch từng bước hình thành lên những khu đô thị sông nước để khai thác du lịch. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết du lịch vùng, tỉnh tập trung phát triển du lịch đường sông làm cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cùng nhau khai thác tiềm năng này, qua đó tạo nên những giá trị mới cho ngành Du lịch vùng Đông Nam bộ.

Với những giá trị đó, việc phát triển đô thị Biên Hòa theo hướng xoay trục hướng ra sông Đồng Nai là hướng đi phù hợp. Đồng thời, để khai thác hết lợi thế của sông Đồng Nai đối với quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa, việc cân đối, tạo ra dải đô thị mật độ cao để có thể dành ra nhiều không gian công cộng ven sông cần được tính toán kỹ. Đặc biệt, trong phát triển đô thị cũng cần quy hoạch, tạo ra được không gian đô thị đối ứng 2 bên bờ sông Đồng Nai.

Phát triển du lịch sinh thái ven sông

Sông Đồng Nai không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tạo lập cảnh quan cho đô thị, dòng sông này còn “mang” trên mình một tài sản lớn cho quá trình phát triển đô thị Biên Hòa. Đó chính là diện tích đất mặt tiền ven sông.

Phát triển đô thị Biên Hòa hướng về sông Đồng Nai
Định hướng các loại hình phát triển ven sông Đồng Nai.

Theo đó, cần xây dựng mới, cải tạo các tuyến đường và cảnh quan ven sông, tuyến giao thông công cộng và các trung tâm TOD ven sông (Phối hợp TOD Bình Dương); Tăng cường kết nối cầu với tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; Giảm, tập trung hóa các bến thủy và cảng biển, tối ưu hóa mặt tiền xanh đô thị; Xây dựng tuyến đường kè sông dành cho xe bus điện nhỏ, dạo bộ, xe đạp; Xây dựng, tôn tạo tuyến cảnh quan xanh, công viên VCGT ven sông.

Xây dựng quảng trường ven sông (công viên Nguyễn Văn Trị), kết hợp với cải tạo mặt tiền khu trung tâm hiện hữu thành phố Biên Hòa. Hình thành tuyến giao thông công cộng đường thủy sông Đồng Nai phục vụ du lịch và dân cư. Bố trí các bến sông kết hợp với bến giao thông công cộng trên bộ trong khoảng cách 400-500m.

Hình thành tuyến giao thông công cộng (chủ yếu đi theo Hương lộ 5) liên kết các trung tâm đô thị bên sông. Phát triển mạng lưới trung tâm TOD: Kết nối bến giao thông công cộng đa phương tiện, tạo trung tâm trong bán kính đi bộ, thúc đẩy hoạt động đô thị tại các trung tâm, phát triển công trình phù hợp tại trung tâm; Kết nối cửa sân bay Biên Hòa với tuyến giao thông công cộng ven sông; Quy hoạch các khu phố mới với các đường chính vuông góc sông để tận dụng tầm nhìn ra sông; Khai thác mặt nước lớn cho các hoạt động giải trí.

Phát triển tuyến giao thông du lịch đường thủy trên sông Đồng Nai, phối hợp với tuyến giao thông công cộng nối các trung tâm đô thị, hình thành các trung tâm TOD. Tập trung các chức năng công cộng dịch vụ tại trung tâm TOD để tạo động lực phát triển đô thị.

Phát triển không gian công cộng, không gian cây xanh, thiết kế chất lượng cao không gian tiếp xúc mặt nước để nâng cao giá trị toàn tuyến. Xây dựng tuyến đường dạo ven sông phù hợp giao thông chậm.

Trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, dọc sông Đồng Nai là một trong 6 hành lang phát triển của tỉnh.

Phát triển đô thị Biên Hòa hướng về sông Đồng Nai
Minh họa không gian đô thị ven sông Đồng Nai.

Về không gian đô thị, sẽ có 3 khu vực là: Thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch. Trong đó, thành phố Biên Hòa - khu đô thị trung tâm hiện hữu, từ Bến tàu đường Nguyễn Văn Trị đến cù lao Hiệp Hòa sẽ phát triển theo hướng cải tạo, chỉnh trang kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan đặc trưng. Các khu đô thị mới như: Cù lao Hiệp Hòa khoảng 293ha, cù lao Tân Vạn khoảng 48ha, khu đô thị Long Hưng khoảng 1.185ha…

Tại huyện Long Thành, khu vực xã Tam An, An Phước và một phần xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) sẽ có khu phức hợp công nghiệp đô thị dịch vụ với tổng diện tích tự nhiên hơn 2,5 nghìn ha.

Huyện Nhơn Trạch có hơn 10 dự án, trong đó đáng chú ý là dự án khu đô thị du lịch sinh thái tại xã Đại Phước quy mô 550ha, khu đô thị du lịch Long Tân - Phú Thạnh khoảng 330ha… Một số tập đoàn lớn đang chờ quy hoạch phân khu để đề xuất triển khai dự án ven sông.

Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, hơn 20 năm qua, huyện chưa đạt mục tiêu thành phố một phần cũng do quy hoạch, kết nối giao thông chưa tốt. Về quy hoạch, huyện có 2/12 phân khu được duyệt. Về giao thông, 80% trục giao thông chính đã được đầu tư nhưng các tuyến kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng còn hạn chế. Nhiều năm nay, chính quyền, người dân mong cầu Cát Lái sớm thực hiện để thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế. Huyện Nhơn Trạch cũng đề xuất thêm một số cầu nối huyện Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh để khai thác lợi thế hơn 30km dọc sông.

Hiện nay, phía Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy hoạch, hình thành nhiều dự án dọc sông. Tuy nhiên, phía Đồng Nai vẫn còn khiêm tốn do thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch đang điều chỉnh quy hoạch chung, huyện Long Thành đang lập quy hoạch đô thị. Việc hoàn thành quy hoạch đô thị, giao thông là giải pháp để khai thác lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đôi bên.

Nguyễn Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load