Thứ tư 24/04/2024 08:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát huy giá trị cảnh quan và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của các dân tộc Bắc Quang

09:33 | 20/10/2022

(Xây dựng) – Ngày 19/10, Hội đồng khoa học kỹ thuật Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy giá trị cảnh quan nổi trội và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của một số dân tộc huyện Bắc Quang”. Đề tài do nhóm nghiên cứu Phòng Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ kiến trúc thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện. Phó Viện trưởng Trịnh Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

phat huy gia tri canh quan va hinh thai to chuc khong gian dinh cu san xuat cua cac dan toc bac quang
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Trịnh Hồng Việt đề nghị Ban thư ký tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp.

Báo cáo kết quả thực hiện đề tài với Hội đồng, Chủ nhiệm đề tài ThS. KTS Đỗ Thanh Tùng cho biết, phần báo cáo bao gồm 2 phần. Một là Dự án sự nghiệp kinh tế điều tra, khảo sát và đánh giá giá trị cảnh quan nổi trội và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của các dân tộc vùng huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Hai là đề tài Nghiên cứu khoa học và công nghệ về nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy giá trị cảnh quan nổi trội và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của các dân tộc vùng huyện Bắc Quang.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. KTS Nguyễn Quốc Hoàng đã trình bày tổng quan về sự cần thiết, kết quả điều tra, khảo sát và phạm vi nghiên cứu của đề tài. Trong đó, báo cáo có đưa ra dữ liệu tham khảo xu hướng phát triển đô thị, nông thôn của một số nước trong khu vực và thế giới có điều kiện địa hình, địa thế tương đồng với nội dung của đề tài; tìm hiểu các bài học kinh nghiệm trên thế giới; phát triển mô hình đô thị có bản sắc kiến trúc nông thôn kế thừa truyền thống Việt Nam.

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả có đề xuất một số giải pháp để phát huy giá trị cảnh quan nổi trội của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa tại huyện Bắc Quang, nghiên cứu lý luận và thực tiễn, kết hợp với các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang, Phòng Quản lý kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Quang. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã đúc rút một số vấn đề cơ bản, nổi trội của địa phương như văn hóa bản địa, vị trí địa lý, địa hình đồi núi, khí hậu, tài nguyên và khoáng sản, 19 dân tộc đang sinh sống và sinh hoạt tại địa phương…

Nhóm nghiên cứu đánh giá, Bắc Quang đang sở hữu nhiều địa điểm có cảnh quan đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch như hồ Quang Minh hay di tích lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Tuy nhiên, các tiềm năng về danh lam thắng cảnh của Bắc Quang gần như chưa được phát huy để khai thác du lịch, tạo lập diện mạo kiến trúc cảnh quan riêng cho địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, huyện Bắc Quang còn một số hạn chế và có xu hướng đánh mất dần bản sắc tại các xã trong huyện. Người Tày và người Dao chiếm đa số, nhưng chung sống xen lẫn với người Kinh, rất khó nhận biết đặc trưng thành phần dân tộc ở phần lớn địa bàn huyện. Hiện nay, chỉ còn một số dân tộc sống tập trung như người Pà Thẻn ở xã Tân Lập hay người Cờ Lao ở xã Vĩnh Hảo. Điều này đặt ra nhiệm vụ phải gìn giữ, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống có bản sắc cho mỗi cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số.

phat huy gia tri canh quan va hinh thai to chuc khong gian dinh cu san xuat cua cac dan toc bac quang
Chủ nhiệm đề tài, ThS. KTS Đỗ Thanh Tùng báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Đối với mô hình tổ chức không gian định cư, sản xuất của các dân tộc cụ thể như quy hoạch, kiến trúc công trình, phân tích mối liên hệ, sử dụng nhà ở, các công trình sinh hoạt cộng đồng, các công trình sản xuất và chăn nuôi... được gắn với môi trường, thiên nhiên của các dân tộc vùng huyện Bắc Quang.

Từ những kết quả khảo sát, đánh giá nêu trên, nhóm nghiên cứu đã rút ra những hạn chế trong công tác phát triển đô thị và nông thôn tại địa phương. Đó là kiến trúc và quy hoạch đô thị; kiến trúc và quy hoạch đô thị nông thôn; vai trò của kiến trúc bản địa trong xây dựng thương hiệu địa phương.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu có đề xuất một số giải pháp để phát huy giá trị cảnh quan của vùng huyện Bắc Quang, bao gồm: giải pháp quản lý, phát huy giá trị hình thái chung của cảnh quan; giải pháp quản lý, thiết kế cảnh quan cho hệ thống đồi núi, thung lũng, mặt nước, cây xanh…; giải pháp quản lý, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và những giá trị khác (thủy lợi, thủy sản, khai thác lâm nghiệp) gắn với từng địa danh cảnh quan của của vùng huyện Bắc Quang.

Tại Hội nghị, Hội đồng khoa học kỹ thuật Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài, hoàn thành đầy đủ các yêu cầu theo đề cương được duyệt. Báo cáo tổng kết có thông tin phong phú, trình bày khoa học, nêu bật được bức tranh tổng quan về giá trị cảnh quan nổi trội và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của một số dân tộc huyện Bắc Quang, đồng thời đưa ra được nhiều đề xuất cụ thể, có tính khả thi.

phat huy gia tri canh quan va hinh thai to chuc khong gian dinh cu san xuat cua cac dan toc bac quang
Toàn cảnh cuộc họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy giá trị cảnh quan nổi trội và hình thái tổ chức không gian định cư, sản xuất của một số dân tộc huyện Bắc Quang”.

Tuy nhiên, các thành viên phản biện và Hội đồng nghiệm thu cũng đóng góp một số ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sự nghiệp kinh tế.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Trịnh Hồng Việt đề nghị Ban thư ký tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề tài. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.

Đức Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load