Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa hướng đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Sáng 8/10, tiếp tục Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Chín nhóm mục tiêu cụ thể
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập, trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Cũng theo tờ trình, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa hướng đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể.
Phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo. Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước; các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến. Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đến năm 2035, đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước. Hằng năm có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tóm tắt tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Theo tờ trình, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác: khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%). Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.
Bố trí nguồn lực thỏa đáng, trọng tâm, trọng điểm
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cơ bản nhất trí với mục tiêu của Chương trình.
Tuy nhiên, cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Từ đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này.
Ủy ban nhất trí với đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).
Có một số ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhưng đề nghị xem xét không sử dụng nguồn vốn từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia mà sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước khác.
Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, Ủy ban nhận thấy Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, quản lý điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung cho Chương trình.
"Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình," ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, các đại biểu cho rằng, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá những mục tiêu của Chương trình là rất quan trọng nhưng trên thực tế, công tác giải ngân rất khó khăn.
"Đặc thù của lĩnh vực văn hóa lại càng có yêu cầu cao, giải ngân không dễ; công tác chuẩn bị, triển khai rất mất thời gian. Nếu bố trí vốn nhiều mà không giải ngân được, hoặc lại cố giải ngân cho được thì đều đáng quan ngại," ông Lê Quang Mạnh nhận định.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giai đoạn tới đất nước chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án lớn, cần phải tính toán khả năng tài chính, cân đối tổng thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Chương trình đã được chuẩn bị khá công phu, tuy nhiên còn khá dàn trải. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn như hiện nay thì cần "lấy văn hóa nuôi văn hóa," tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về khả năng thực hiện kế hoạch vốn cho chương trình./.
Theo Xuân Tùng/(TTXVN/Vietnam+)