Thứ sáu 03/01/2025 09:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đôn đốc triển khai dự án trung tâm nhiệt điện lớn nhất nước

20:40 | 15/07/2012

Ngày 14/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra công trường Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, đôn đốc công tác thi công, xây dựng các nhà máy điện có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện phía Nam.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công
các dự án điện - Ảnh VGP/Nguyên Linh

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, thuộc Quy hoạch phát triển điện quốc gia (giai đoạn 2006-2015), có xét đến năm 2025 (Tổng sơ đồ VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là trung tâm nhiệt điện lớn nhất với tổng công suất 4.400 MW.

Trung tâm có  3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống, với nguồn nguyên liệu than cung cấp khoảng 8,8 triệu tấn/năm và dầu FO trên 50.000 tấn/năm, từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu nước ngoài. Mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vào Quy hoạch tổng thể TTĐL Vĩnh Tân.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công sớm nhất, từ tháng 8/2010 với tổng công suất lắp đặt 1.244 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh là 23.477 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013 dự án sẽ đưa tổ máy số 1 vào vận hành, giữa năm 2014 là tổ máy số 2.

Theo báo cáo, đến nay công tác thiết kế, chế tạo, mua sắm và vận chuyển thiết bị đã triển khai phê duyệt trên 50%. Công tác xây dựng, lắp đặt Nhà máy chính đã thực hiện cơ bản theo tiến độ các khu vực chính như lò hơi, máy phát tổ 1, tổ 2, khu phụ trợ.

Dự án Cảng nhập than TTĐL Vĩnh Tân bao gồm 2 đê chắn sóng đã thực hiện đổ lõi, khởi công và xây móng cho cảng dầu quy mô 1.000 tấn.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục dùng chung cho cả TTĐL Vĩnh Tân như hệ thống cấp điện từ đường dây 22kV hiện hữu, hạng mục đường giao thông…

Khảo sát tại công trường cho thấy, tồn tại chủ yếu hiện nay là một số vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn tới một số diện tích chậm được bàn giao. Khó khăn về tài chính, thu xếp vốn cũng là nguyên nhân khiến triển khai một số hạng mục chưa theo kịp tiến độ.


Hạng mục Nhà máy chính Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang được khẩn trương thi công - Ảnh VGP/Nguyên Linh

Trong cuộc giao ban trực tiếp tại công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quán triệt tới các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc xây dựng điện Vĩnh Tân cũng như các dự án điện phía Nam tinh thần khẩn trương trong việc triển khai các dự án nguồn tại khu vực. Trong khi nền kinh tế của ta đang dần bước qua giai đoạn khó khăn, hồi phục tăng trưởng thì điện năng phải đi trước là bước đi cần thiết, nhất là các dự án điện phía Nam có vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu của khu vực có phụ tải tăng trưởng cao và đang có dấu hiệu thiếu hụt lớn.

Việc xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân sẽ góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, giảm bớt sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, tăng tính ổn định kinh tế cho việc vận hành hệ thống điện trên toàn quốc, hạn chế sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, nhất là vào các tháng mùa khô.

Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực, tập trung các giải pháp đảm bảo các yêu cầu, kế hoạch triển khai dự án, đặc biệt là xác định các điểm tồn tại, vướng mắc hiện nay để có biện pháp khắc phục. Tại Dự án Vĩnh Tân 2, lưu ý chủ đầu tư, nhà thầu về chất lượng thi công, an toàn lao động, an ninh công trường.

Hai vấn đề vướng của Dự án điện Vĩnh Tân 2 là việc thu xếp tài chính, bàn giao mặt bằng thi công được Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ tháo gỡ cụ thể.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các bên liên quan sớm triển khai kế hoạch Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, 4 để sớm khởi công các dự án này, nhằm góp phần quan trọng vào sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, tăng tính ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.

CP

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load