(Xây dựng) - Đêm. Tiếng mưa đọng trên lá cây, rơi xuống mái tôn dãy trọ cạnh nhà, không theo nhịp điệu, tiết tấu. Nhặt… thưa… xa… gần… Mưa tháng Hai mà lạ! Mưa phùn rỉ rả cả ngày trời, tối đến, vẫn còn mưa. Có lúc, vừa mưa vừa gió. Hình như nặng hạt hơn nên tiếng mưa chạy ràn rạt, khiến người ngồi trong nhà cũng khẽ rùng mình. Cửa đã đóng, chốt đã khóa, mà như có hơi mưa len vào…
Đêm, vì thế mà không tĩnh. Nằm nghe tiếng mưa mà không tài nào chợp mắt được. Có phải chỉ vì tiếng mưa, hay còn vì tiếng gì khác nữa? Hà Nội đâu phải chỉ có mưa mới ồn ào? Hà Nội thường thao thức. Những ngọn đèn đường mỏi mắt dõi theo những dáng người bóng xe trong cuộc mưu sinh, trong bước chân rong chơi… Có những lần, đi ngang đêm Hà Nội, tôi đã thầm nghĩ, Hà Nội không ngủ bao giờ! Hà Nội ồn ào, tấp nập. Hà Nội đông đúc đến ngột thở, mệt nhoài. Kẹt trong đám đông ở một ngã ba, ngã tư nào đó; kẹt giữa dòng người đông đặc, chật cứng, chỉ thấy mùi khói xe và hơi người hừng hực, chắc người đi đường cũng đã thầm nghĩ, chao ơi, sao mà đông đúc đến thế! Ước gì phố xá bớt đông, giao thông sẽ thuận tiện nhường nào…
Thế rồi… Những ngày này, ra đường, thấy phố phường như rộng thêm ra. Không phải cái vắng vẻ của ngày mồng Một tết Nguyên đán, rất thảnh thơi và nhàn nhã. Không phải cái vắng vẻ của trưa hè rừng rực nắng, mặt đường rát bỏng, bốc hơi uốn lượn. Đó là sự thưa bớt bóng người bởi nỗi lo dịch bệnh. Nỗi lo lắng loang ra… Nó khiến người ta phải cân nhắc, tính toán khi đi ra ngoài đường. Hà Nội bớt đông, nhưng không bớt ngột ngạt. Người ta như có cảm giác bầu trời trước bão. Lặng gió. Không khí đặc quánh lại… Những phập phồng âu lo…
Khi dễ dàng lên cầu Chương Dương vào trung tâm thành phố, tôi, người đi đường, thấy lòng bâng khuâng đến lạ. Nếu là những ngày trước Tết, hẳn lòng người sẽ cảm thấy vui vẻ lắm. Nhưng bây giờ, sau tầng tầng lớp lớp khẩu trang, chắc hẳn là những khuôn mặt không lấy gì làm dễ chịu. Có phải tôi dở hơi, thích sự đông đúc ồn ào đến ngộp thở? Không, tôi thích nhịp sống bình thường. Tôi thích Hà Nội căng tràn sức sống, hối hả, vội vã. Tôi thích những con phố cũ chật căng, người buôn kẻ bán, du khách dọc ngang, nhìn ngó một cách vừa lạ lẫm vừa thích thú.
Phải chăng, có những thứ lúc bình thường ta thấy hiển nhiên phải thế, nhưng khi mất đi rồi, ta mới hiểu hết giá trị của nó… Dưới cầu, con sông vẫn đang miệt mài trôi… Con sông ôm Hà Nội vào lòng, con sông đã nuôi dưỡng, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của Hà Nội…
Từ những ngày sông còn mênh mang, nước lũ mang phù sa tràn khắp nơi đến những tháng năm người dân biết đắp đê chống lũ. Từ những ngày dải đất còn chưa thành bờ thành cõi, đến những tháng ngày đánh giặc bảo vệ quê hương. Con sông cuốn trôi hàng vạn quân Thanh khi cầu phao đứt trong nỗi hoảng loạn vô bờ. Con sông chứng kiến cuộc sơ tán của nhân dân Hà Nội mùa đông năm 1946. Con sông đỏ rực lên màu máu trong những tháng ngày máy bay B52 của Mỹ bắn phá Hà Nội, bắn phá cầu Long Biên… Giờ đây, khi Hà Nội đang lặng đi như lỡ một nhịp thở, con sông vẫn rì rào vỗ về thành phố.
Hà Nội dường như lặng im chờ đợi. Chờ một ngày nắng lên rực rỡ phố phường. Chờ một ngày được nắm tay nhau ra đường, được ngồi bên nhau nhâm nhi cốc cà phê, được nhìn mặt nhau mà trò chuyện… Chờ một ngày cổng trường rộn rã tiếng trẻ thơ, con đường đã nhỏ lại càng thêm chật… Hà Nội dường như lặng im… Trong cái lặng im ấy, biết bao con người đang gồng mình, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong cái lặng im đó, có những niềm tin đang nhen nhóm, đâm chồi nảy lộc, gieo hạt giống hi vọng vào lòng người…
Hôm nay, hoa quanh Hồ Gươm vẫn nở. Liễu vẫn xanh và bóng lộc vừng vẫn in trên nước hồ ngăn ngắt. Những búp bàng vẫn căng bóng, hối hả xanh. Hoa sưa đã rụng những cánh trắng mỏng tang, tán cây đã xanh ngọc xanh ngà. Góc vườn Văn Miếu, hoa gạo vẫn cháy đỏ cành… Nhịp sống rồi sẽ cuồn cuộn sau những ngày tháng chậm lại này. Hà Nội dường như lặng hơn, nhưng mạnh mẽ và đầy quyết tâm.
Phương Thảo
Theo