(Xây dựng) – Tối 28/4, tại Khu du tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại buổi lễ. |
Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú thời tiền sử cách đây 30.000 năm. Qua các tầng văn hoá khảo cổ mới được phát hiện trong những năm gần đâu đã cung cấp nhiều bằng chứng khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hoá và diện mạo vùng đất Ninh Bình 10 thế kỷ đầu công nguyên, phát lộ các chứng tích về một kinh thành có kiến trúc đặc sắc. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn.
Thế kỷ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, mở xưng hoàng đế lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nơi vua Lê Đại Hành khởi phát các quyết định lịch sử chống quân xâm lược Tống, giữ vững nền độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi, xây dựng quốc gia hưng thịnh, tạo tiền đề cho sự phát triển rực rỡ vủa các thể chế nhà nước phong kiến trong các giai đoạn sau này.
Hơn 1.000 năm trôi qua, những âm hưởng của kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn vang vọng tới tận hôm nay. Những vết tích tường thành, nền móng cung điện hay cổ vật được khai quật từ các tầng văn hoá khảo cổ trong lòng đất cho thấy tầm vóc, kiến trúc đặc sắc của kinh thành xưa.
Trải qua 86 năm với 8 đời vua của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có những đóng góp to lớn, giữ vị trí vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, tạo nền móng vững chắc để các triều đại sau này kế thừa và phát triển.
Chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2023 có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. |
Lễ hội Hoa Lư được khai mạc hàng năm là một hoạt động văn hoá lâu đời, phản ánh đậm nét sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua 3 triều đại. Lễ hội Hoa Lư xưa được các thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam tổ chức như lễ trọng và có tầm ảnh hưởng lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc.
Với những giá trị tiêu biểu trường tồn đó, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của Quần thể Danh thắng Tràng An – Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam.
Ninh Bình tự hào là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú thời tiền sử cách đây 30.000 năm. |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung
ương biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua và khẳng định di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại cùng những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được thời gian qua là vô cùng quý giá, là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tiến tới thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Ngoài ra, Ninh Bình cần xác định phát huy tối ta tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, lợi thế của địa phương, giải quyết thật tốt mới quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng phát triển bền vững, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá – xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng.
Sớm hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan, phù hợp và góp phần thực hiện Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời lỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 30 Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông hồng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng để tạo động lực và đột phá phát triển mới.
Khẩn trương tham mưu cho các cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, đồng thời cần chủ động xây dựng các cơ chế chính sách bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá và truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ giá trị lịch sử văn hoá vùng đất Cố đô và Nhà nước Đại Cồ Việt, tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tự nhiên, văn hoá - lịch sử, đặc biệt là giá trị của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy tốt truyền thống vẻ vang của ông cha, đoàn kết, chung sức đồng lòng, năng động, sáng tạo, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn lên trong giai đoạn mới, xứng đáng với vị thế của vùng đất Cố đô lịch sử.
Anh Tú
Theo