(Xây dựng) – Thế chấp sổ đỏ được hiểu là việc thế chấp quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Theo đó, hồ sơ đăng ký thế chấp sổ đỏ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Hồ sơ thế chấp sổ đỏ
Hồ sơ đăng ký thế chấp sổ đỏ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP gồm: Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (01 bản chính); hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng hoặc chứng thực (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực); bản chính giấy chứng nhận đã cấp (sổ đỏ, sổ hồng).
Thủ tục thế chấp sổ đỏ
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết hồ sơ trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Việc thế chấp được ghi trong sổ đỏ?
Điểm a Khoản 5 Điều 18 và Điểm a Khoản 2 Điều 20 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được ghi rõ tại Trang bổ sung giấy chứng nhận.
Cụ thể: “Thế chấp bằng... (ghi tên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) tại... (ghi tên và địa chỉ của bên nhận thế chấp) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)”.
Thế chấp sổ đỏ khi nào có hiệu lực?
Theo Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: "Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Đỗ Quang
Theo