Thứ sáu 27/12/2024 03:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Những mảnh đời trên đất khách

16:01 | 09/07/2014

(Xây dựng) - Trong vô vàn số phận của những người đi lập nghiệp ở phương trời xa không phải ai cũng được thần may mắn mỉm cười cho nhập cuộc. Biết bao cuộc chia ly với đầy ắp niềm hy vọng cho một ngày trở lại của các cặp vợ chồng, các cặp tình nhân.


Một góc Trung tâm Thương mại Sapa tại thủ đô Praha Séc

Trớ trêu thay, cảnh ngộ khi thiếu hẳn nửa kia của cuộc đời nơi đất khách đã khiến cho họ, những người vợ, người chồng, người yêu cuốn theo vòng xoáy quên đi lời hẹn ước hôm nào. Họ tìm đến nửa của những cuộc đời khác, những nam thanh, nữ tú rồi ghép lại với nhau, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại, cùng kiếm sống. Khi kịp nghĩ lại có người đã đi quá nửa cuộc đời, những mảnh ghép cứ rơi rụng dần và như vầng trăng khuyết, họ không đủ can đảm quay về để làm tròn vầng trăng của một thời đói khổ nhưng hạnh phúc. Câu chuyện sau giúp bạn đọc hiểu thêm những hoàn cảnh đó.

“Anh thương yêu!

Vậy là anh đã xa cái gia đình bé nhỏ, xa cái ngõ mà bàn chân anh đi hằn lên đã thành lối cho mẹ con em đi mỗi sớm, mỗi chiều gần bốn năm rồi. Thiếu vắng anh, cái ngõ ấy đã kịp lên rêu và hàng dâm bụt anh trồng trước khi đi giờ đã ngập hoa trong chống chếnh nắng chiều. Sau mỗi trận mưa bà Nga hàng xóm lại hỏi với sang xem có cần tỉa bớt lá cho hàng hoa đỡ đổ, em bảo không cần, em sẽ tự tay chỉnh lại, bởi với em hàng hoa ấy chính là anh, làm sao em lại để cho ai cắt cứa vào anh rồi chia anh đi, không, không bao giờ anh ạ!

Bốn năm qua em và con chờ đợi mỏi mòn, từ một bé gái bây giờ con chúng ta đã thành thiếu nữ. Cái tuổi 17 với bao mơ mộng viển vông cần biết bao nhiêu bàn tay dìu dắt của người cha. Mỗi chiều về khi hai mẹ con ngồi đối diện nhau trên mâm cơm em mới thấy cái lãng phí của sự giàu sang, bởi vì nó mà người ta mất đi những tháng năm đẹp nhất của đời người. Em biết anh cũng đang vì mẹ con em mà cố, nhưng anh ơi, em vẫn ước, vẫn khao khát anh có mặt trong những bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười…”

Không thể đọc hết lá thư tôi gửi lại anh, người đàn ông ngồi đối diện trong một quán ăn tại trung tâm thương mại Sapa thủ đô Praha. Khi biết rõ mục đích của tôi sẽ thực hiện loạt bài phóng sự về vấn đề này anh đã chủ động gặp và cho phép tôi được viết lên tất cả, ngoại trừ việc nêu tên.

Khi làn sóng xin sang Séc làm việc ở độ cao trào, anh đang làm công nhân cơ khí của hợp tác xã thủ công. Hàng ngày nghe tiếng loa thông báo về việc tuyển công nhân anh và nhiều người có mức lương hơn triệu đồng một tháng đã đứng ngồi không yên. Nhẩm tính số tiền hai vợ chồng dành dụm được, thiếu bao nhiêu vay nợ hai bên gia đình chắc ổn. Anh về bàn với vợ. Chị lắng nghe và khuyên anh nên suy xét cho thấu đáo vì số tiền cho chuyến đi quá lớn, nếu không may biết ăn nói làm sao với họ hàng, thiên hạ. Nói vậy thôi chứ ý anh đã quyết rồi. Cùng vài người nữa anh đến gặp người môi giới và sau gần hai tháng làm thủ tục anh đã có mặt tại miền đất hứa.

Họ xếp anh vào làm công nhân một hãng lắp ráp linh kiện điện tử. Công việc không đến nỗi quá vất vả. Anh cũng như nhiều người khác xin được làm thêm ca với hy vọng kiếm ra tiền nhanh nhất gửi về trang trải nợ nần. Làm được tới đâu anh qui đổi rồi gửi về cho vợ, cứ thế, đều đặn cho đến một ngày anh gặp người đàn bà đồng hương trên chuyến xe cùng tuyến. Họ đồng cảm với nhau ngay từ câu nói đầu tiên.

Chị than thở với anh về sự ngu dại của mình khi phải để lại chồng và 2 đứa con để đi làm kinh tế. Chưa bao giờ bước chân ra khỏi vùng quê đầy nắng gió và những thói quen cổ hủ, bây giờ học nói tiếng Tây, nấu bằng bếp gas, còn việc làm thì thôi rồi, khó. Đã nhiều lần chị muốn về vì nhớ chồng, nhớ con đến quay quắt nhưng không thể vì nợ kia vẫn chưa trả hết. Hai con người chưa hẳn bơ vơ ấy qua thời gian  dần khép lại. Bắt đầu là những bữa ăn cải thiện cuối tuần rồi chuyển sang góp gạo nấu cơm chung. Quá trình ấy diễn ra bình lặng, ngấm dần vào họ để rồi không hiểu tự lúc nào, hai nửa khuyết của vầng trăng ấy tự ghép lại thành đôi trong một căn phòng thuê cách nơi làm việc vài bến xe buýt.

Trong lần nói chuyện với vợ, thanh minh nguyên do vì sao mấy tháng liền không có tiền gửi về, anh đã phải bịa ra rằng, do công việc bấp bênh và do người sang quá đông, rồi mùa đông bên này rét lắm phải trả vô số các loại tiền… Vợ anh chỉ sụt sùi dặn đi dặn lại, rằng ở cái tuổi trên 40 hãy nhớ mà cẩn trọng, nhỡ có bề gì thì khổ vợ, khổ con. Ậm ừ cho qua chuyện bởi anh biết cái lý do kia. Mấy tháng nay nhà máy tinh giảm công nhân, họ chỉ để lại những người biết nghề, biết việc. Trong số những người bị sa thải có người đàn bà đang cùng ăn, cùng ở với anh.

Vậy là tiền lĩnh hàng tháng anh phải chi ra để hai con người tồn tại. Rồi cơn khủng hoảng kinh tế ập tới các doanh nghiệp không kịp đối phó, họ thu gọn lại bộ máy sản xuất và anh là người cuối cùng trở thành nạn nhân thất nghiệp của xí nghiệp điện tử. Theo chân các ông cò môi giới, họ đã dùng những đồng tiền cuối cùng để xin việc, nhưng ở đâu lâu lắm cũng chỉ được chừng ba tháng rồi lại ra đi. Bế tắc và cùng quẫn anh cắt mọi thông tin với vợ con và lá thư anh cho tôi đọc kia chị đã phải gửi theo một người quen sang phép cầm hộ.

Gần hai năm nay anh đi làm thợ xây dựng. Từ đào cống rãnh đến quét vôi, không chê miễn có việc làm. Khốn nỗi cái nghề này không phải lúc nào cũng có việc, đặc biệt mấy tháng mùa đông. Vậy nên tiền của mấy tháng mùa hè lại phải chia ra sao nuôi nổi hai người khi giáp hạt để cố sống, cố chờ đến mùa nắng năm sau. Tiền vay trong nước chưa trả hết. Vợ anh phải dạy thêm giờ và nghe đâu bố anh đã cắt một phần đất hương hỏa lấy tiền trả nợ bớt cho anh. Biết đến bao giờ anh mới có thể về thăm quê, mới có thể chia tay người đàn bà vốn không phải của anh để trở về với vợ? Nhìn theo cái dáng xiêu xiêu trong chạng vạng chiều cuối thu nơi đất khách tôi thấy lòng mình se lại. Anh bảo: Em là nợ của đời anh ạ. Liệu có quá chăng?

Thiều Quang (Cộng hòa Séc)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load