(Xây dựng) - Đó là chủ đề của Hội thảo do Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 12/12, tại thành phố Thái Nguyên.
Toàn cảnh Hội thảo Những góc nhìn kiến trúc đô thị Thái Nguyên. |
Có 16 tham luận đã được gửi đến Hội thảo, bao gồm các tham luận mới và một số ý tưởng đã được trình bày trên báo chí mang tính tham khảo, rộng đường thông tin, xoay quanh hai trục chính là kiến trúc và quy hoạch.
Các tham luận tập trung vào hai nhóm chủ đề: Bàn về các vấn đề cụ thể của kiến trúc đô thị Thái Nguyên (đê và đô thị, cầu qua sông Cầu, vỉa hè, hồ nước giải pháp cho đô thị bị ngập úng, điêu khắc đường phố…) và bàn về vấn đề mang tính vĩ mô trong kiến trúc - quy hoạch đô thị Thái Nguyên (cải tạo và phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan; kiến trúc xanh trong phát triển đô thị, kiến trúc với di sản; xây dựng thành phố thông tminh; tư duy tiếp cận trong sáng tác khi lập đồ án quy hoạch…).
Với góc nhìn về vỉa hè là bộ mặt cảnh quan đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Thái Nguyên, đề xuất: Nên chăng, cần có quy hoạch phân loại các khu vực vỉa hè trong đô thị. Có khu vực vỉa hè tuyệt đối không cho phép buôn bán, có khu vực vỉa hè cho phép bố trí hoạt động kinh tế nhỏ, đậu xe… với quy định và hướng dẫn rõ ràng về tổ chức mặt bằng, không gian và cả quy chế về kinh tế, tài chính là thuế, phí sử dụng vỉa hè…
“Thậm chí đối với những tuyến phố đặc biệt như phố đi bộ, “kinh tế vỉa hè” lại có thể cần được khuyến khích một cách có quy hoạch, có kiểm soát, xem đó như là hỗ trợ cho cư dân thành thị mưu sinh, giúp xây dựng bản sắc tuyến phố, tạo bộ mặt sinh động cho đô thị, hay còn trở thành một “đặc sản” cho du lịch”, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà chia sẻ.
Trong khi đó, phân tích về nguyên nhân vì sao đô thị Thái Nguyên lại hay bị ngập úng khi mưa to, theo kiến trúc sư Trần Hải Hưng nhận định đó là do Thái Nguyên mất dần các yếu tố điều hòa nước mưa (ruộng đất bị lấp làm khu đô thị, hồ và mương thoát nước bị thu hẹp, xóa bỏ…) và hệ thống kỹ thuật hạ tầng không đồng bộ.
Về giải pháp, kiến trúc sư Trần Hải Hưng cho rằng “phải từ chủ trương của tỉnh về vấn đề quy hoạch”.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 12 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Thái Nguyên), 01 đô thị loại III (thành phố Sông Công); 01 đô thị loại IV (thị xã Phổ Yên), các đô thị còn lại đều là đô thị loại V. Các đô thị trong tỉnh đều đã được lập quy hoạch chung để quản lý. Một số đô thị đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với định kỳ rà soát điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực vào việc đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều đô thị được nâng loại với thành công đáng kể phải nhắc đến là việc nâng cấp quản lý hành chính thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên.
Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà làm kiến trúc - quy hoạch chuyên ngành tại Thái Nguyên: Các đô thị Thái Nguyên hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, năng lực quản lý và phát triển đô thị tại các địa phương chưa đồng đều. Bản sắc địa phương còn chưa rõ nét, cảnh quan không gian kiến trúc còn lộn xộn, chưa theo trật tự, chưa tạo được tiếng nói và đặc điểm riêng. Điều này một phần là do chất lượng của các đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, nghiên cứu chưa thấu đáo điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế, tiềm năng cũng như khả năng, nguồn lực địa phương để có những giải pháp đề xuất phù hợp.
Theo đó, các kiến trúc sư đề nghị: Phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn hiện nay phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong phát triển đô thị bền vững, cần phải thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Trong quy hoạch vùng tỉnh, Thái Nguyên chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng các đô thị theo hướng tăng trưởng xanh – văn minh – hiện đại.
Kiến trúc sư Mã Kiều Trâm khẳng định: Đô thị – dù phát triển đến tầm nào cũng phải giữ bản sắc riêng. Đây là cơ sở để duy trì tính bền vững cũng như sự liên tục trong tiến trình phát triển. Bản sắc, gắn với các yếu tố văn hoá – lịch sử kết nối vào quá trình phát triển là một nội dung không thể tách rời.
Thái Nguyên hiện có 12 đô thị, đó là 12 hạt nhân tạo động lực cho sự phát triển toàn vùng. Những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch xây dựng đô thị, không gian kiến trúc đô thị, phân bố dân cư, phân bố sản xuất, các vấn đề về hạ tầng, môi trường… phải được xem xét trên phạm vi tổng thể.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên: Một bài toán cần lời giải chính xác và khoa học với sự phối hợp từ các cấp ngành trong công tác quản lý, chuyên môn, người dân địa phương để hướng đến mục tiêu phát triển của các đô thị Thái Nguyên phải khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực và cả nước.
Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư trẻ, kiến trúc sư Lê Cao Hải cho rằng: “Để có tầm nhìn mang tính chiến lược cho sự phát triển chung của thành phố Thái Nguyên trong tương lai, tạo tiền đề phát triển bền vững và đáp ứng đô thị hóa ngày càng cao hướng tới xây dựng thành phố trở thành đô thị hiện đại là tất yếu xứng đáng với vị thế là đô thị trung tâm, động lực phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ… đòi hỏi chính quyền đô thị thành phố Thái Nguyên cần có sự quan tâm xứng đáng và giải quyết các vấn đề từ việc cải tạo không gian đô thị trong xu thế phát triển của thành phố trong thời gian quy hoạch đến năm 2035”.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của phóng viên, tiếc rằng, cuộc Hội thảo bổ ích và lý thú kể trên lại thiếu sự có mặt của những người đang trực tiếp quản lý, điều hành công tác quy hoạch - phát triển đô thị tại địa phương hiện nay.
PV
Theo