Chủ nhật 03/11/2024 19:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Những đội đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới

22:47 | 28/05/2016

Đảm trách các sứ mệnh đa dạng từ chống khủng bố tới giải cứu con tin, SEAL của Hải quân Mỹ hay Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) xứng đáng là hai biệt đội xuất sắc nhất thế giới.

Lực lượng đặc nhiệm SEAL (tên gọi ngắn của Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt) của Hải quân Mỹ được coi là đội quân tinh nhuệ bậc nhất thế giới. Được thành lập năm 1962, SEAL nổi tiếng nhất với vụ tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden ngày 2/5/2011. Đây cũng là lực lượng có quá trình tuyển chọn, đào tạo khó khăn và khắt khe bậc nhất. Các ứng viên phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực gồm chống đẩy 72 lần trong 2 phút, gập người liên tục 60 lần trong 2 phút, chạy 6,4 km với thời gian dưới 31 phút và bơi 900 m dưới 20 phút. Ảnh: Reuters

Tương đương với lực lượng SEAL của Mỹ là Đặc nhiệm Hải quân Anh (SBS). SBS có nguồn gốc từ lực lượng biệt kích Anh trong Thế chiến II và tách ra hoạt động độc lập sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiệm vụ của SBS rất đa dạng, bao gồm chống khủng bố, trinh sát, tình báo, phá hoại ngầm, bắt giữ và tiêu diệt các mục tiêu cá nhân. Quá trình tuyển chọn thành viên của SBS cũng rất khắt khe, gồm bài kiểm tra sức bền, đào tạo trong rừng nhiệt đới Belize, huấn luyện chiến đấu sống còn, gồm phần đối chất đầy căng thẳng. Ảnh: Business Insider

Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) thuộc Lực lượng đặc biệt của Anh, được thành lập từ năm 1941 trong thời Thế chiến II và đã được nhân rộng như mô hình đặc nhiệm chuẩn mực trên toàn thế giới. Nhiệm vụ chính của SAS là tiến hành các chiến dịch quân sự đặc biệt, chống khủng bố ở trong nước cũng như ở nước ngoài. SAS giúp đào tạo binh sĩ đặc nhiệm của các nước khác, huấn luyện kỹ năng chiến tranh du kích và tác chiến trong điều kiện bất ngờ. Phù hiệu của SAS mang cụm từ nổi tiếng “Ai dám làm, người đó thắng”. Khi được hỏi về vai trò quan trọng của SAS trong cuộc chiến sau chiến tranh Iraq, Tướng Mỹ Stanley McChrystal khẳng định: “Rất cần thiết. Không thể làm gì nếu thiếu họ". Ảnh: Business Insider

Sayeret Matkal là lực lượng tinh nhuệ bậc nhất trong biên chế quân đội Israel. Đội thường luồn sâu trong hàng ngũ của kẻ thù vì mục đích chính là thu thập thông tin tình báo. Trong trại tuyển chọn, các tân binh sẽ phải trải qua các bài huấn luyện cao độ, dưới sự giám sát liên tục của các bác sĩ và nhà tâm lý học. Chỉ những người khỏe mạnh nhất mới được tuyển chọn vào đội quân này. Năm 2003, tài xế taxi Israel Eliyahu Gurel bị bắt cóc sau khi chở 4 người Palestine tới Jerusalem. Đội biệt kích Sarayet Matkal khi đó đã xác định được vị trí và giải cứu nạn nhân khỏi một hố sâu 10 m trong một nhà máy bị bỏ hoang ở khu vực ngoại ô thành phố Ramallah của Palestine. Ảnh: Business Insider

Trong số các lực lượng chống khủng bố trên thế giới, rất ít đội quân có thể sánh được với Nhóm Can thiệp Hiến binh Quốc gia (GIGN) của Pháp. Nhóm này gồm 200 binh sĩ được huấn luyện đặc biệt nhằm đối phó các tình huống giải cứu con tin. GIGN tuyên bố đã giải cứu hơn 600 người từ khi thành lập năm 1973. Một trong những thành tích nổi bật trong lịch sử hoạt động của GIGN là vụ giành lại quyền kiểm soát Nhà thờ Hồi giáo lớn ở thánh địa Mecca, Saudi Arabia năm 1979. Ngoài ra, một số hoạt động thành công khác của nhóm gồm giải cứu 30 trẻ em bị bắt tại Cộng hòa Djibouti, trấn áp tội phạm chiến tranh ở Bosnia, chống hải tặc Somali và giải thoát các hành khách trên chuyến bay 8969 của hãng Air France tại thành phố Marseille năm 1994. Ảnh: Business Insider

Biệt đội Alpha còn có tên là Cục A thuộc Trung tâm Mục đích Đặc biệt (FSB) của Lực lượng An ninh Liên bang Nga và được Cơ quan an ninh quốc gia Nga (KGB) thành lập năm vào 1974. Biệt đội Alpha nổi tiếng trong cuộc xung đột ở Afghanistan năm 1979 với nhiệm vụ bí mật đột nhập vào Dinh Tổng thống ở Kabul và triệt hạ hầu hết các phiến quân phản động. Năm 1985, biệt đội Alpha được cử đến Beirut, thủ đô của Lebanon, để giải cứu 4 nhà ngoại giao. Trong nước, sau khi Liên Xô tan rã, biệt đội Alpha vẫn tồn tại và tham gia hầu hết hoạt động chống khủng bố, tiêu biểu là vụ khủng bố và bắt cóc con tin ở nhà hát lớn tại Moscow năm 2002 và trường học Beslan năm 2004. Cả hai sự kiện đã chứng minh năng lực của biệt đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới. Ảnh: Wikicommons

Unidad de Operaciones Especiales (UOE) hay Lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân Tây Ban Nha được coi là một trong những lực lượng đặc biệt được đánh giá cao nhất ở châu Âu, theo Business Insider. Được thành lập năm 1952, đơn vị này hoạt động theo mô hình đội đặc nhiệm SAS của Anh. Tỷ lệ ứng viên giành được mũ nồi xanh của UOE chỉ khoảng 20 tới 30%. Thậm chí, khi đã gia nhập đội, 100% tân binh vẫn có thể bị đào thải. Ảnh: Wikicommons

Nhóm nhiệm vụ đặc biệt (SSG) của Pakistan thường được biết tới nhiều hơn qua tên gọi "Black Storks” (Những con cò đen) do chiếc mũ đen độc đáo của lính đặc nhiệm. Để đứng trong hàng ngũ SSG, các binh sĩ phải trải qua quá trình đạo tạo khắc nghiệt. Mỗi người phải chạy 8 km trong vòng 20 phút với đồ đạc trên người và phải hành quân 12 giờ đồng hồ trên quãng đường dài 58 km. Tháng 10/2009, lính đặc nhiệm SSG xông vào một tòa nhà văn phòng và giải cứu thành công 39 người bị những phần tử tình nghi liên quan tới phiến quân Taliban bắt làm con tin. Ảnh:  Reuters 

Theo Hải Anh/Zing.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load