(Xây dựng) – Một số công trình cổ đại đồ sộ trên thế giới có niên đại hàng ngàn năm được xây dựng hết sức công phu và chính xác khiến các kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà khoa học không khỏi ngỡ ngàng và thán phục. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các công trình cổ đại thách thức với thời gian trên thế giới.
Công trình bức tượng Nhân sư, Ai Cập
Tượng Nhân sư khổng lồ này được tạc với hình dáng đầu người, thân sư tử nằm trong tư thế phủ phục canh gác cho đền thờ vua Pharaoh Khafre trên cao nguyên Giza, bờ Tây sông Nile, Ai Cập. Tượng nhân sư tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ.
Tượng Nhân sư khổng lồ nằm ở cao nguyên Giza, trên bờ tây của sông Nile, cách Thủ đô Cairo 10 km. Những người trị vì Ai Cập coi đây là biểu tượng của thần mặt trời. Bức tượng Nhân sư thuộc một phần của thành cổ Memphis, một nơi được coi là vị trí quyền lực của các Pharaoh, cách không xa ba kim tự tháp lớn.
Tượng nhân sư, cùng với Kim tự tháp và vô số những ngôi mộ khác cùng tọa lạc trong khuôn viên của Thành phố của người chết - một công trình vĩ đại được dựng lên bởi các Pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure trong khoảng thời gian từ năm 2560 tới 2450 trước Công nguyên.
Vẻ mặt khắc khổ và đầy vẻ chịu đựng của tượng Nhân sư là một trong những bí ẩn xung quanh bức tượng này. Sự kỳ bí của bức tượng Nhân sư đã thu hút rất nhiều sự chú ý, đồng thời đặt ra vô số những giả thiết về sức mạnh siêu nhiên của bức tượng này. Thực tế, có rất nhiều truyền thuyết khác liên quan đến tượng Nhân sư.
Tên Nhân sư được đặt cho bức tượng vào khoảng 2.000 năm sau thời điểm xây dựng do nó có những điểm tương đồng với con thú trong thần thoại Hy Lạp có thân sư tử, đầu phụ nữ và cánh đại bàng.
Kể từ khi được con người khám phá, tượng Nhân sư khổng lồ đã để lại nhiều dấu ấn kèm theo những bí ẩn khó giải mã, khiến đau đầu nhiều thế hệ. Napoleon từng nhìn chằm chằm vào bức tượng và thể hiện sự sợ hãi thực sự còn các nhà khảo cổ, thám hiểm, sử học và du khách thì đã và đang tìm hiểu, nhưng tượng Nhân sư vẫn là một trong những công trình bí ẩn nhất của thế giới cổ đại.
Đảo Phục Sinh, Chile
Nằm giữa Thái Bình Dương, đảo Phục Sinh là một trong những nơi thu hút đông khách du lịch bởi sự huyền bí của mình. Đảo Phục Sinh - thuộc chủ quyền của Chile tại Đông Nam Thái Bình Dương, nơi có gần 900 bức tượng đầu người kỳ lạ có chứa nhiều bí ẩn mà đến giờ, giới khoa học vẫn chưa thể giải đáp.
Đó là những bức tượng đá khổng lồ hình mặt người (hay còn gọi là Moai). Những bức tượng này do tộc người Rapa Nui cổ tạo ra. Những con người đã sống tách biệt với thế giới trong cả ngàn năm, nhưng vào khoảng thập niên 1860 tất cả bỗng biến mất không dấu vết, trở thành bí ẩn lớn mà nhân loại chưa thể trả lời.
Hòn đảo này khó có thể khai thác được những tảng đá to như thế, và nó lại nằm tách biệt với đất liền. Những câu hỏi bí ẩn về những bức tượng này vẫn đang thử thách các nhà khoa học suốt bao thế kỷ qua. Thế nhưng, bí ẩn không chỉ có như vậy. Người ta ước tính, số người trên đảo ở thời điểm hưng thịnh lên tới hơn 17.000 người. Hòn đảo không có sông, hồ hay suối, mà toàn bộ nguồn nước sạch chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Thật kỳ lạ! Lượng mưa mỗi năm trung bình chỉ rơi vào khoảng 1.240 mm - có nghĩa không thể đủ để cho sinh hoạt, chưa nói đến việc điêu khắc nên những bức tượng Moai khổng lồ.
Người ta cho rằng, cư dân Rapa Nui đã uống trực tiếp nước biển để sống. Ở thời điểm ấy chẳng ai nghi ngờ, nhưng với khoa học hiện tại thì đó là chuyện không tưởng, cơ thể người sẽ không thể dung nạp được lượng muối có trong nước biển. Vậy người Rapa Nui đã tồn tại bằng cách nào? Đó chính là bí ẩn mà phải mãi gần đây, các nhà khoa học mới tìm ra manh mối.
Angkor Wat, Campuchia
Thánh địa Phật giáo Angkor Wat, di sản thế giới của Vương quốc Campuchia, nghệ thuật kiến trúc độc đáo với Ấn Độ cổ đại. Theo sử sách ghi chép: Antonio da Madalenna, một tu sĩ người Bồ Đào Nha, đặt chân đầu tiên đến Campuchia năm 1583 từng thổ lộ "Angkor Wat là một kiến trúc phi thường mà không giấy bút nào tả xiết, chủ yếu là vì nó không giống bất kỳ công trình nào khác trên thế giới. Nó có những tòa tháp, lối trang trí và tất cả sự tinh xảo mà con người có thể tưởng tượng ra”.
Năm 1589, ông đã chia sẻ những tư liệu về Campuchia và Angkor Wat tới nhà Sử học người Bồ Đào Nha Digo do Couto (1542 - 1616) trước khi chết trong một vụ đắm tàu ngoài khơi Natal. Ông đã cố gắng hỗ trợ trong nỗ lực tái thiết của Thánh địa Phật giáo Angkor Wat, nhưng dự án đã không thành công.
Đây là một quần thể công trình với 200 đền thờ được đặt tại những vị trí đắc địa. Lối thoát nước cũng được xây dựng rất khoa học, khi mùa mưa đến, nước sẽ ngập những nơi được vẽ ra và biến khu này thành một hòn đảo giữa biển nước bao la.
Dưới thời vua Suryavarman II, Angkor Wat không chỉ là một ngôi đền, mà cũng là trung tâm kinh đô của Vương triều Khmer và giữ một vị trí chiến lược quan trọng. Thành tựu của ông trong kiến trúc, nhiều chiến dịch quân sự và việc phục hồi chính quyền vững mạnh đã khiến cho nhiều nhà lịch sử xếp Suryavarman II là một trong những vị vua vĩ đại nhất của đế quốc này.
Kiến trúc và những đối tượng được phụng thờ tại Angkor Wat đã có những thay đổi qua 6 thế kỷ dưới triều đại Khmer. Được xây dựng vào thời kỳ cực thịnh của đế chế Khmer vào thế kỷ thứ XII, ngôi Đền ban đầu là thờ các vị thần Ấn Độ, sau tới thờ Bồ Tát Quan Thế Âm, được bao quanh bởi một con hào có những khoảng sân rộng lớn, phòng trưng bày bậc thanh và những tòa tháp được điêu khắc tuyệt mỹ.
Thánh địa Phật giáo Angkor Wat có một mối liên kết với Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ cổ đại. Cơ quan Khảo sát Ấn Độ cổ đại (ASI) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục và bảo tồn Thánh địa Phật giáo Angkor War, Di sản Thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, Thánh địa Phật giáo Angkor Wat vẫn chìm trong bí ẩn.
Khánh Phương
Theo