Chủ nhật 19/01/2025 11:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Những cây cầu bắc qua sông Hồng

14:08 | 10/10/2014

(Xây dựng) - Cùng với sông Cửu Long ở phương Nam, sông Hồng được coi là dòng sông Mẹ của phương Bắc. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng - Trung Quốc, sông Hồng đổ vào Việt Nam tại địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trên hành trình dài 510km sông Hồng chảy vào đất Việt, con người đã tô điểm cho con sông này thêm sự hùng vĩ bằng những cây cầu với nhiều dấu ấn huyền thoại.  Đặc biệt những cây cầu bắc qua sông Hồng gắn liền với Thủ đô, tạo nên vể đẹp cho kiến trúc và cảnh quan của Hà Nội.

Cầu Long Biên (Thời gian xây dựng: 1898-1902)

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội.

Cầu Long Biên do Pháp xây dựng, thời đó đặt tên là cầu Doumer. Cầu có chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m và đường dẫn được xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đặc biệt, luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Cầu là chứng tích lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn, cũng là chiếc cầu lưu giữ ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội.

Cầu Chương Dương (Thời gian xây dựng: 1983-1986)

Cầu Chương Dương cây cầu “Made in Việt Nam”

Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam mà không cần có sự giúp đỡ kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Cầu được xây lên những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cầu Thăng Long đang được xây dựng dang dở và nằm quá xa trung tâm, cầu Chương Dương được dựng lên để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển.

Cũng giống như cầu Long Biên có kết cấu bằng khung thép, cầu Chương Dương phải tốn rất nhiều nhân lực và tài lực cho việc sơn cầu bảo đảm kéo dài tuổi thọ của cây cầu. Những người thợ sơn cầu phải vắt vẻo treo mình trên những dầm thép cao hàng chục mét miệt mài sơn phủ kín các thanh thép. Người ta tính nếu tháng Giêng bắt đầu sơn nhịp đầu tiên thì sau khi sơn đến nhịp cuối  cùng lại quay lại sơn nhịp đầu tiên là đúng 1 chu kì bảo dưỡng.

Cầu Thăng Long (Thời gian xây dựng: 1974 - 1985)

Đây là cây cầu của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất. 

Được khánh thành cùng thời điểm với cầu Chương Dương nhưng cầu Thăng Long lại có quá trình thiết kế, thi công kéo dài. Hạng mục thiết kế cầu đã được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia Trung Quốc từ 1972 - 1977, sau 1978, việc xây dựng cầu được Liên Xô hỗ trợ tiếp tục xây dựng và hoàn thành, mãi đến 1985 mới thông xe toàn bộ cầu.

Tuy nhiên đến lúc khánh thành, cầu Thăng Long vẫn vắng bóng người qua lại, chủ yếu là do hướng phía Bắc Hà Nội thời gian đấy không phát triển. Mãi đến khi Chính phủ làm đường cao tốc nối cầu Thăng Long lên sân bay Nội Bài thì cầu Thăng Long mới phát huy sức mạnh của mình.

Cầu Thanh Trì (Thời gian xây dựng: 2002-2010)

Cầu chính dài 3.084m, rộng 33,1m với 6 làn xe chạy, trong đó có 4 làn xe cao tốc.

Thanh Trì không chỉ là cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng mà còn là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới. Với tổng chiều dài hơn 12.000m, cầu chính dài 3.084m, rộng 33,1m với 6 làn xe chạy, trong đó có 4 làn xe cao tốc, ngay khi được đưa vào sử dụng, cầu Thanh Trì đã phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Cầu Vĩnh Tuy (Thời gian xây dựng: 2005 - 2010)

Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu rộng nhất Việt Nam, đạt kỷ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của Việt Nam

Cầu Vĩnh Tuy là một cây cầu bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. cầu Vĩnh Tuy là một trong những công trình trọng điểm của TP nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với mặt cắt ngang của tuyến đường chính hai đầu cầu rộng 60m, Vĩnh Tuy là cây cầu rộng nhất Việt Nam, đạt kỷ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của cả nước (135 nhịp). Cầu Vĩnh Tuy góp phần hoàn chỉnh quy hoạch đường vành đai 2 của Hà Nội, là tuyến giao thông huyết mạch của thủ đô.

Cầu Vĩnh Thịnh (Thời gian xây dựng: 2011 - 2014)

Đây là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Cầu Vĩnh Thịnh có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng,... của thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và rộng hơn là của các tỉnh vùng Tây Bắc và của nước ta.

Theo quy hoạch, Cầu Vĩnh Thịnh kết nối 2 trục hướng tâm Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm Thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.

Đây cũng là cầu kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và các mặt văn hóa du lịch của thủ đô Hà Nội.

Cầu Nhật Tân (Thời gian xây dựng: 2009 -2014)

Cầu Nhật Tân - biểu tượng của thời kỳ hội nhập.

Được khởi công xây dựng từ năm 2009, là cây cầu dây văng qua sông đầu tiên của Hà Nội dài 8,9km với 6 nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Cầu Nhật Tân là biểu tượng của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đồng thời là công trình ghi dấu ấn cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. 5 nhịp tháp của cầu tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, cầu Nhật Tân sẽ trở thành một biểu tượng mới của thủ đô.

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load