(Xây dựng) - Bỏ xa kiểu nhà truyền thống gồm mái vòm, ống thông khói, bãi cỏ, những ngôi nhà cho tương lai dưới đây đều có thiết kế nổi bật, độc đáo, thậm chí là kỳ dị. Các kiến trúc sư đã tận dụng những nguồn năng lượng tự nhiên để làm nên những ngôi nhà độc đáo và chúng đã cho thấy sức sáng tạo vô biên của con người.
Jellyfish House (nhà sứa)
Giống như loài sứa, các bức vách của căn nhà được trang bị các cảm biến, diode phát quang hữu cơ qua đó điều hòa môi trường bên ngoài và trong. Các bức vách còn có khả năng thu thập nước mưa và xử lý nước thải bằng cách sử dụng titan dioxide và tia UV.
Nhà gập
Thời tiết nắng nóng ở California đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà thiết kế người Hàn Quốc Christopher Daniel nảy ra ý tưởng về một ngôi nhà gập. Ngôi nhà sẽ trụ vững trong những môi trường khắc nhiệt nhất nhờ hệ thống khung sợi carbon siêu bền. Nhà gập được lắp một cửa tự động thủy lực, cho phép điều chỉnh độ sáng. Rèm cửa và giá sách sẽ ngăn nhà làm nhiều phòng khác nhau.
MercuryHouseOne
MercuryHouseOne được hình thành bởi nhà thiết kế Arturo Vittor, kiến trúc sư người Italy của Công ty Architecture & Vision.
MercuryHouseOne là căn nhà có thể di chuyển. Phía bên ngoài được bao phủ bởi một lớp đá cẩm thạch mỏng. Theo trang web của công ty Architecture & Vision, nội thất bên trong được thiết kế với những trang thiết bị có hệ thống ánh sáng, âm thanh tối tân để tối đa hóa trải nghiệm của người dùng.
Nhà bay Wolke 7
Nhà thiết kế người Thụy Sĩ Timon Sager đã sáng tạo ra kiểu nhà có một không hai kết hợp giữa không gian nhà ở tiện nghi và khả năng bay lượn của tàu vũ trụ. Những sợi cáp bền chịu lực sẽ giữ cho ngôi nhà lơ lửng trong không trung, trong khi đó, chủ nhân vẫn có thể thoải mái tận hưởng các phương tiện giải trí hiện đại nhất hay nghỉ ngơi trên chiếc giường sang trọng.
Airdrop House
Thiết kế của Airdrop House có mục đích chính làm nơi trú ẩn khẩn cấp cho những người vừa trải qua thảm họa.
Ngôi nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Andrew Maynard. Cảm hứng tạo ra nơi đây đến từ thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương và cơn bão Katrina. Ngôi nhà được thiết kế để đưa vào những khu vực đang xảy ra thảm họa như một nơi trú ẩn tạm thời. Đặc biệt, bạn có thể trồng cây tại đây.
Nhà chống vòi rồng
Kiến trúc sư Ted Givens là người đã phác thảo nguyên mẫu thiết kế nhà chống vòi rồng. Khi có gió mạnh thổi qua, tay đòn thủy lực sẽ nâng căn nhà được phủ bởi sợi nhân tạo Kevlar có độ cứng gấp 5 lần thép lên cao. Cấu trúc mái nhà công nghệ cao sẽ ngăn không cho nước mưa và gió vào nhà. Khi trời quang mây tạnh trở lại, ngôi nhà sẽ trở về hình dáng ban đầu.
Ecopod
Ecopod được mô tả trên trang web của nhà sản xuất là “một nơi tuyệt vời cho người chủ nhà muốn thoát khỏi sự tù túng”, Ecopod được làm hoàn toàn bởi cao su tái chế từ những lốp xe bỏ đi. Ngôi nhà dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác với nguồn năng lượng xuất phát từ bảng điều khiển năng lượng mặt trời 80 W.
Komb House
Komb House được thiết kế theo những kỹ thuật tinh xảo và phức tạp nhất nhằm giảm tới mức tối đa tác động từ môi trường. Nước trong ngôi nhà được làm nóng bởi những tấm pin mặt trời. Bên trong còn được trang bị những vật liệu có thể tái sử dụng như gỗ và kính. Thậm chí, ngôi nhà còn có thể tháo rời rồi lại ghép trở lại.
Seoul Green Commune 2026
Khối tháp màu xanh này được chia thành nhiều phòng nhỏ cũng như các khoang lớn dành cho các hoạt động tập thể. Đây là phương án thiết kế của Công ty Mass Studies như là một giải pháp cho tình trạng bùng nổ dân số ở Seoul.
Tòa tháp Sky Terra
Cuộc sống ở những thành phố lớn khiến cho con người ít có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, nhưng giờ đây tòa tháp Sky Terra sẽ biến ước mơ đó thành hiện thực. Với thiết kế trông giống như những nơ ron thần kinh, tòa tháp cao gần 500m này sẽ đưa du khách dạo chơi quanh những nhà hát, bể bơi, đồng cỏ và công viên nhờ hệ thống thang máy.
Hồng Nhung (Tổng hợp)
Theo