Thứ hai 30/12/2024 22:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Nhiều dấu hiệu khả quan phát đi từ nền kinh tế Trung Quốc

08:27 | 01/10/2023

Giới phân tích nhận định Trung Quốc cần có nhiều hỗ trợ chính sách hơn để đảm bảo nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% do chính phủ đề ra cho năm 2023.

Nhiều dấu hiệu khả quan phát đi từ nền kinh tế Trung Quốc
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc đón nhận thêm những thông tin tích cực khi báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động tại các nhà máy nước này đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng.

Theo NBS, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9, vượt ngưỡng 50 điểm phân biệt giữa sự thu hẹp và tăng trưởng của hoạt động sản xuất. Chỉ số này cao hơn mức 50 điểm được giới chuyên gia dự báo trước đó.

Trong khi đó, chỉ số PMI phi chế tạo của Trung Quốc - bao gồm các chỉ số phụ cho hoạt động của ngành dịch vụ và xây dựng - cũng tăng lên 51,7 so với mức 51,0 của tháng Tám.

Chỉ số PMI tổng hợp (bao gồm cả hoạt động chế tạo và phi chế tạo) đã tăng từ mức 51,3 lên 52,0 trong tháng 9.

Báo cáo PMI tháng 9 bổ sung thêm các dấu hiệu ổn định của nền kinh tế, vốn đã chùng xuống sau đợt bùng nổ đà tăng trưởng hồi đầu năm, khi nước này dỡ bỏ các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Ngoài các số liệu trên, giới chuyên gia kinh tế còn theo dõi các dữ liệu ngắn hạn bao gồm hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm nay tại Trung Quốc. Kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” của nước này đã bắt đầu vào thứ Sáu (29/9) với Tết Trung thu, sau đó sẽ là kỳ nghỉ Quốc khánh đến hết ngày 6/10.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin lượng hành khách đi lại bằng đường sắt hôm thứ Sáu đã đạt 20 triệu lượt - một kỷ lục tính theo ngày và cũng là khởi đầu lạc quan cho kỳ nghỉ này.

Các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế xuất hiện từ tháng 8 vừa qua với sản lượng nhà máy và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều tăng. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản. Giới hoạch định chính sách đã công bố một loạt biện pháp theo từng giai đoạn để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm giảm lãi suất thế chấp.

Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục sụt giảm do khủng hoảng đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng Tám, giá nhà mới tại Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 10 tháng và đầu tư bất động sản giảm tháng thứ 18 liên tiếp.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc cần có nhiều hỗ trợ chính sách hơn để đảm bảo nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% do chính phủ đề ra cho năm 2023.

Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nhận định, nền kinh tế Trung Quốc ổn định một phần nhờ việc nới lỏng các chính sách trong lĩnh vực bất động sản.

Vấn đề quan trọng là liệu chính phủ có đưa ra chính sách tài khóa mang nhiều tính hỗ trợ hay không. Theo ông, điều này hoàn toàn có thể, nhưng việc thay đổi lập trường chính sách tài khóa nhiều khả năng diễn ra vào năm 2024 thay vì năm nay.

Theo H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load