Ngoài Avigan đang thử nghiệm lâm sàng, Nhật còn muốn tìm kiếm thêm những loại thuốc tương tự có thể đối phó với virus SARS-CoV-2.
Đã gần 5 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu, nhân loại vẫn chưa tìm được thuốc giải đặc trị cho bệnh này.
Nhiều nước đã vận dụng những công nghệ tối tân nhất để tăng tốc quá trình. Sau Mỹ, tới lượt Nhật Bản đưa siêu máy tính vào nghiên cứu với mục đích tìm ra loại thuốc chống lại virus corona.
Siêu máy tính Fugaku của Nhật được ứng dụng để tìm ra thuốc giải cho Covid-19. Ảnh: Riken. |
Theo Nikkei, siêu máy tính Fugaku mạnh nhất Nhật Bản hiện đang được lắp đặt tại viện nghiên cứu Riken ở tỉnh Kobe. Đây là dự án có giá trị 130 tỷ yên, và đến nay mới chỉ vận hành được 1/6 khả năng tối đa. Tuy nhiên, năng lực tính toán của Fugaku hiện đã vượt xa K, siêu máy tính đầu bảng của Nhật trước đây.
Fugaku sẽ được sử dụng để giả lập tác dụng của các loại thuốc trị Covid-19 ở mức độ phân tử. Đội ngũ phân tích sẽ cho máy tính chạy giả lập với khoảng 2.000 loại thuốc đang có sẵn và tìm ra ứng viên phù hợp nhất để thử nghiệm lâm sàng.
"Tôi muốn đạt được kết quả trong vòng một tháng", Giáo sư Yasushi Okuno ở Đại học Kyoto, người tham gia dự án này chia sẻ.
Vào ngày 16/3, Bộ năng lượng Mỹ thông báo sẽ sử dụng siêu máy tính Summit của IBM để đẩy nhanh tốc độ tìm ra phương pháp ức chế virus.
Tương tự cách hoạt động của siêu máy tính Fugaku, Summit dùng sức mạnh tính toán lên tới 200 petaFLOPS, hay 200 triệu tỷ phép tính mỗi giây để giả lập hiệu quả của thuốc lên virus SARS-CoV-2 dưới mức độ phân tử. Tới ngày 21/3, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (Mỹ) đã công bố kết quả bước đầu từ dự án.
IBM Summit, siêu máy tính nhanh nhất thế giới có kích thước tương đương 2 sân tennis. Ảnh: NY Times. |
Bắt đầu với hơn 8.000 hợp chất, sức mạnh đáng kinh ngạc của Summit rút ngắn thời gian thử nghiệm, loại bỏ phần lớn các loại thuốc không có tác dụng trước khi tìm thấy 77 loại có hiệu quả với việc ngăn chặn virus hoạt động bên trong cơ thể người.
Tất nhiên, cỗ máy này chỉ giúp rút ngắn thời gian chứ không thể thay thế cho những nghiên cứu lâm sàng trên cơ thể người.
“Kết quả này không có nghĩa chúng tôi đã tìm được thuốc giải cho virus corona. Nhưng chúng sẽ là dữ liệu cho nhiều nghiên cứu trong tương lai, và chỉ tới lúc đó chúng ta mới biết liệu có loại hợp chất đặc trưng nào khắc chế được virus hay không”, ông Jeremy Smith, Giám đốc trung tâm thí nghiệm sinh lý phân tử thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge chia sẻ.
Bên cạnh Summit, chính phủ Mỹ, IBM cùng một số công ty sẽ cho phép các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới truy cập vào ít nhất 15 siêu máy tính khác, giúp đẩy nhanh quá trình tìm ra vaccine và thuốc đặc trị Covid-19.
Ông Dario Gil, Giám đốc IBM Research cho biết 16 hệ thống siêu máy tính của liên minh này có khả năng tính toán lên đến 265 petaflop, 775.000 CPU và hơn 34.000 GPU.
Theo Hà My/Zing.vn