(Xây dựng) - Trong làng báo những người đa tài rẽ tay ngang trở thành nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nhạc sĩ không nhiều. Tôi muốn nói đến nhà báo Tào Khánh Hưng người bén duyên cùng âm nhạc. Một số ca khúc của anh mang hơi thở mới, cung bậc mới, với những phát hiện nhanh nhạy của nhà báo…
Nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng, tác giả của ca khúc “Nhà báo chúng tôi” khúc hát tự hào của những người làm báo. |
Từ nơi nguồn sáng
Hai năm sau Báo Xây dựng thành lập, năm 2000 tòa soạn có thêm nhà báo Tào Khánh Hưng từ Báo Hòa Bình về đầu quân. Ngày ấy anh là một phóng viên trẻ năng nổ, yêu nghề, từ người thợ trên công trình thủy điện Sông Đà, bén duyên cùng nghề báo. Hành trình để về Báo Xây dựng, anh đã đi qua chặng đường dài có thâm niên 10 năm làm cộng tác viên các Báo Hà Sơn Bình, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Tiền phong… rồi trở thành phóng viên của Báo Hòa Bình.
Thoáng đấy anh đã gắn bó với Báo Xây dựng 20 năm, trưởng thành cùng tờ báo. Nhà báo Tào Khánh Hưng giữ cương vị Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng đã 7 năm, công việc hàng ngày của anh là tổ chức nội dung, biên tập tin, bài duyệt báo trước khi in xuất bản. Dù công việc tòa soạn bận rộn, nhưng anh vẫn bố trí cho mình những chuyến công tác về địa phương, xuống với những công trình xây dựng ngổn ngang bề bộn, để nhớ về thời trai trẻ trên công trường thủy điện Sông Đà, với những dòng tin, những bức ảnh đầu tiên, đưa anh đến với đam mê nghề báo. Những chuyến đi công tác về với các miền quê, từ miền biên cương biên giới đến hải đảo xa xôi, cho anh những tích lũy đong đầy, những cung bậc tình cảm. Những tình cảm ấy dồn nén tới một ngày - anh chợt nhận ra những bài báo, những bức ảnh, chưa đủ để thể hiện những cung bậc tình cảm, những giai điệu âm thanh, mà chỉ có âm nhạc là cung bậc mới, thể hiện được niềm vui, ước mơ, khát khao của anh với tình yêu cuộc sống, yêu đất nước con người .
Đã một lần từ người thợ hàn trên công trường thủy điện Sông Đà, anh rẽ tay ngang để viết báo, chụp ảnh, giờ đây một lần nữa anh lại rẽ tay ngang từ nhà báo bén duyên cùng âm nhạc.
Nhà báo Tào Khánh Hưng trong một chuyến công tác lên bản tái định cư huyện Mường Tè , tỉnh Lai châu. |
Nhà báo già - nhạc sỹ tân binh trẻ…
Hơn 30 năm làm báo, là một trong những nhà báo có thâm niên tuổi nghề cao nhất Báo Xây dựng, nhà báo Tào Khánh Hưng trở thành nhà báo “già” giữa lớp nhà báo trẻ trong tòa soạn. Trong làng báo anh cũng nổi danh là nhà báo nhiều kinh nghiệm, sống có nghĩa có tình với bạn bè đồng nghiệp, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ được “đạo đức” của người làm báo: “Bút sắc, lòng trong, tâm luôn sáng ngời”.
Mấy năm gần đây, tài năng âm nhạc của anh phát lộ, nhà báo “già” Tào Khánh Hưng rẽ tay ngang sang bén duyên cùng âm nhạc, trở thành nhạc sĩ tân binh. Nói về niềm đam mê trong sáng tác ca khúc và viết báo, theo Tào Khánh Hưng cả hai lĩnh vực này đều có một điểm chung là người viết phải có thực tế, có tính sáng tạo, giàu cảm xúc, nhìn nhận một vấn đề cần khách quan, trung thực. Viết báo thì dùng ngôn ngữ chữ viết để đọc, còn âm nhạc thì dùng âm thanh để diễn tả và ngôn ngữ trong âm nhạc phải có hình ảnh, phải được chọn lọc, sắp xếp theo khúc thức, giai điệu bay bổng qua từng nốt nhạc thể hiện cao độ, trường độ và âm sắc qua từng giọng ca. Hóa ra chặng đường làm báo của anh đã qua 30 năm, còn duyên nhạc của anh mới chỉ 3 năm gần đây, quả là anh chàng tân binh thật.
Chàng nhạc sĩ tân binh trẻ Tào Khánh Hưng rất sung sức, đã trình làng với cả chục ca khúc, ở những lĩnh vực tình cảm, nhưng mang tính thời sự của báo chí, mang cung bậc, hơi thở của âm nhạc có sắc thái riêng của nhạc sĩ tay ngang, có chỗ đứng trong làng âm nhạc.
Nghề báo anh theo học trường chính quy, còn sáng tác nhạc, anh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ được học trường lớp âm nhạc nào, thế nên ơn nhờ trời phú cho mình năng khiếu ấy. Năm 2017, tôi mới sáng tác ca khúc đầu tay. Tuy không học ở trường lớp nhưng tôi cũng có người thầy và phải học thầy mới nên sự nghiệp”. Người thầy anh nhắc tới là nhạc sĩ Tuấn Phương - nguyên Phó trưởng Ban Văn nghệ, Đài Tuyền hình Việt Nam. Nhà báo Tào Khánh Hưng mê những sáng tác của nhạc sĩ Tuấn Phương, vì thế sáng tác âm nhạc của anh cũng mang chất dân gian trữ tình hợp tông với phong cách của thầy. Anh kể: "Thỉnh thoảng tôi mới gặp nhạc sĩ Tuấn Phương, tôi kể về ý tưởng sáng tác và đưa ra những ca khúc mới để anh nghe và góp ý. Nghe xong anh nhận xét về giai điệu, ca từ và khích lệ tôi sáng tác. Nhạc sĩ Tuấn Phương bảo tôi rằng - người nhạc sĩ không thể thiếu được năng khiếu bẩm sinh trời phú cho. Anh có năng khiếu đấy, nhưng phải học thêm, phải sáng tác nhiều mới định hình cho mình một phong cách riêng trong lòng thính giả. Anh có sự nhanh nhạy của người làm báo, các ca khúc của anh sẽ có sắc thái riêng đi vào cuộc sống".
Sau lần ra đảo Trường Sa công tác trở về, tình cảm với Trường Sa yêu thương, nắng gió biển khơi và tình cảm của những người con canh giữ biển trời Tổ quốc, vang lên những nốt nhạc, những cung bậc âm thanh để ca khúc “Trường Sa yêu thương” của Tào Khánh Hưng ra đời. Ca khúc này được ca sĩ Hoài Phương hát trực tiếp phát sóng trên kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam. Nghe xong ca khúc, nhạc sĩ Tuấn Phương gọi điện cho Tào Khánh Hưng nhận xét: “Ca khúc này em viết khá đấy. Tuy nhiên, chỉ cần chỉnh lại khúc thức một chút thì bài hát sẽ hay hơn”.
Lời khen của người thầy đã khích lệ này là nguồn động viên Tào Khánh Hưng có thêm động lực cảm xúc sáng tác. Ngày 21/6, ngày nhà báo Việt Nam năm nay, ca khúc mới "Nhà báo chúng tôi" của Tào Khánh Hưng vang lên, trở thành hành khúc tự hào của những người làm báo. Anh cho biết: "Tôi đã dành nhiều tâm huyết viết ca khúc “Nhà báo chúng tôi” để ca ngợi tôn vinh về nghề báo vốn gian nan, vất vả nhưng vinh quang và rất tự hào. Qua đó tri ân các nhà báo đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước".
“Vinh quang Nhà báo chúng tôi/Đối mặt bão giông giữa những dòng đời lũ siết
Trang báo - Cuộc đời/Ôi! Hạnh phúc, tự hào nghề báo tôi yêu”.
Anh chia sẻ, nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhiều cạm bẫy, nhà báo không vững lập trường dễ bị chi phối ngã gục bởi đồng tiền của cơ chế thị trường. Cho nên “Đạo đức” của người làm báo là: “Bút sắc, lòng trong, tâm luôn sáng ngời” được anh thể hiện làm điểm nhấn trong ca khúc này.
Nhà báo Tào Khánh Hưng chụp ảnh tại Mường Tè, nơi con sông Đà cháy vào đất Việt. |
Hỏi về gia tài của chàng tân binh trẻ trong làng âm nhạc, anh khiêm tốn cho hay mới trình làng hơn chục ca khúc. Anh nhớ những ca khúc đầu tiên của mình là: Áo tím chiều đông; Nỗi nhớ; Nhớ Mẹ; Tự hào Cô giáo trẻ, còn 2 là ca khúc để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất là Trường Sa yêu thương và Nhà báo chúng tôi.
Trong những ngày cả nước phòng chống dịch Covid-19, với cách nhìn của nhà báo, Tào Khánh Hưng thể hiện qua âm nhạc là ca khúc “Áo trắng tuyến đầu”. Anh bảo: "Đấy tiếng lòng của tôi, tiếng lòng của đồng bào cả nước gửi lời tri ân tới đội ngũ các Y, Bác sỹ ngành Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19".
Nhà báo tay ngang bén duyên cùng âm nhạc, dư lượng âm nhạc của Tào Khánh Hưng đang sung sức, anh sẽ còn có nhiều những ca khúc hay, mang hơi thở cuộc sống có sắc thái của nhà báo, âm vang và lắng đọng trong lòng khán thính giả.
Nghiêm Thị Hằng
Theo