(Xây dựng) - Loãng xương là bệnh diễn ra âm thầm, đặc biệt với phụ nữ. Chính vì thế, việc dự phòng các yếu tố nguy cơ gây loãng xương sớm là rất quan trọng.
Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương nhiều hơn nam giới. Tuổi càng cao, nguy cơ loãng xương càng tăng. Gia đình có cha mẹ bị gãy xương do loãng xương thì nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những gia đình khác. Khung cơ thể người có khung xương nhỏ thì nguy cơ mắc loãng xương cao hơn so với người cao lớn.
Tập luyện thường xuyên giúp giảm nguy cơ loãng và gãy xương (ảnh minh họa)
Loãng xương thường xảy ra ở người bệnh có quá nhiều hoặc quá ít một số loại hormon. Chẳng hạn như hormon giới tính, sự giảm nồng độ hormon estrogen khi mãn kinh là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến loãng xương ở phụ nữ.
Nam giới có sự giảm nồng độ hormon testosteron theo tuổi. Giảm nồng độ hormon testosteron ở nam giới còn có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh lý ung thư tiền liệt tuyến.
Việc gia tăng hormon tuyến giáp làm tăng nguy cơ hủy xương. Tăng hormon tuyến giáp có thể xảy ra ở người bệnh bị cường giáp hoặc uống quá liều hormon tuyến giáp khi điều trị bệnh lý suy giáp.
Loãng xương còn liên quan đến các bệnh lý cường hoạt động của tuyến cận giáp và tuyến thượng thận.
Loãng xương có thể xảy ra ở những đối tượng có chế độ ăn ít canxi, chế độ ăn không cung cấp đủ canxi trong một thời gian dài dẫn đến loãng xương.
Người mắc phải chứng biếng ăn có nguy cơ cao bị loãng xương. Lượng thức ăn cung cấp không đủ dẫn đến thiếu năng lượng, protein và canxi. Những trường hợp này hay gặp ở những phụ nữ bị chứng biếng ăn có thể mãn kinh sớm và nam giới bị chứng biếng ăn có thể làm giảm nồng độ hormon sinh dục.
Sau phẫu thuật đường tiêu hóa: sau phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật cắt đoạn ruột hoặc phẫu thuật nối tắt dạ dày - ruột làm giảm diện tích bề mặt ruột có thể hấp thụ chất dinh dưỡng bao gồm cả canxi, đây cũng là những đối tượng có nguy cơ bị loãng xương.
Sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài cũng ảnh hưởng đến quá trình tạo xương. Ngoài ra, khi dùng các thuốc điều trị bệnh co giật, trào ngược dạ dày, ung thư và chống thải ghép cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến loãng xương.
Lối sống ít vận động làm cho con người có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nhiều lần những người thích vận động.
Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ bị loãng xương ở người trưởng thành.
Phòng tránh
Cung cấp đủ lượng canxi mỗi ngày: thức ăn cung cấp nhiều canxi bao gồm sữa và các sản phẩm sữa chứa ít chất béo, rau xanh, hải sản, các sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc và hoa quả tươi. Nếu không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết từ chế độ ăn giàu vi chất hàng ngày thì cần uống thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Cung cấp đủ lượng vitamin D mỗi ngày: Nên khởi đầu bằng cách cung cấp 600-800 đơn vị vitamin D mỗi ngày bằng cách cung cấp qua thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.
Tập luyện: Các bài tập sức cơ sẽ làm tăng sức mạnh của cơ và xương. Có thể tập từng nhóm cơ - xương của chi thể. Các bài tập có tì đè - ví dụ: đi bộ, chạy bộ, leo núi, trượt tuyết và các môn thể thao có đối kháng làm tăng sức mạnh cơ xương.
Khánh Phương
Theo