Phát triển nhiệt điện (NĐ) than vẫn là một xu hướng không thể thiếu trong thời gian tới nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nảy sinh đang có nguy cơ cản trở hoạt động của các nhà máy NĐ than, trong đó, nổi bật là việc xử lý tro, xỉ thải và các thách thức môi trường khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn
Có thể phải dừng hoạt động nhà máy vì bãi thải gần đầy
Nhà máy NĐ Mông Dương 1 (Quảng Ninh) đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì bãi thải tro, xỉ gần đầy mà chưa có phương án xử lý. Diện tích bãi thải tro, xỉ của Nhà máy NĐ Mông Dương 1 có dung tích 2,25 triệu m3, đến nay đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3, ước tính chỉ 8 tháng nữa bãi thải này sẽ đầy. Việc tiêu thụ tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hay san lấp nền đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ít và liên quan đến đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhà máy đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh để được phép xây dựng một bãi thải tro, xỉ mới. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đến nay, đề xuất trên của nhà máy vẫn "dậm chân tại chỗ". Nguy cơ nhà máy phải dừng hoạt động do không có nơi đổ thải đang hiện hữu, lúc đó thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào nhà máy này sẽ bị lãng phí, mỗi năm riêng trả lãi và khấu hao lên đến 800 tỷ đồng. Chưa kể, Nhà máy NĐ Mông Dương 1 ngừng hoạt động sẽ kéo theo Nhà máy NĐ Mông Dương 2 cũng phải đóng cửa do hai nhà máy dùng chung một số hạng mục hạ tầng.
Theo PGS, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, NĐ than chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng sản lượng điện của nước ta. NĐ than năm 2015 chỉ chiếm 30,4% tổng sản lượng điện, đến năm 2020 sẽ tăng lên 49,3%, năm 2025 là 55% và năm 2030 là 53,2%. Sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng sẽ được thay thế bằng NĐ than, như vậy, đến năm 2030 tỷ lệ NĐ than về cơ học có thể lên tới 59-60%. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay khi phát triển NĐ than là bảo vệ môi trường do phát sinh nhiều chất thải. Tuy nhiên, về vấn đề này, PGS,TS Trương Duy Nghĩa cho rằng: “Nhà máy NĐ đốt than hiện nay có công nghệ xử lý hiện đại, vốn đầu tư và chi phí vận hành cho các hệ thống xử lý này rất lớn, nên có thể coi như chúng đã được xử lý khá triệt để các chất thải nguy hại trước khi thải ra môi trường”.
Cùng với tốc độ phát triển nhanh của NĐ than, lượng tro xỉ thải ra môi trường cũng ngày càng lớn. TS Trần Văn Lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nước ta hiện có 21 nhà máy NĐ than đang vận hành, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hằng năm hơn 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ hơn 700ha. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án NĐ than đi vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy NĐ đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc sử dụng tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp một số vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, đang thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Những vướng mắc này khiến lượng tro, xỉ, thạch cao tiêu thụ được mới chiếm khoảng 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hằng năm.
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn để tái sử dụng
Chia sẻ về vấn đề kiểm soát môi trường tại các nhà máy NĐ, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thừa nhận, việc giải quyết bài toán bãi thải tro, xỉ là vấn đề "nóng", cấp bách hiện nay. Vướng mắc ở chỗ chưa có tiêu chuẩn để sử dụng tro, xỉ.
Thực hiện chương trình giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội đã tiến hành kiểm tra thực tế tại một số nhà máy NĐ than. Theo ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm UBKHCN&MT của Quốc hội, các nhà máy NĐ đầu tư mới hiện nay đều áp dụng công nghệ xử lý chất thải hiện đại, đồng thời, có cơ chế tự động chuyển thông tin, số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để giám sát, thậm chí, còn có phòng cộng đồng để người dân vào theo dõi trực tiếp quá trình xử lý. Với chất thải là tro, xỉ, ông Lê Hồng Tịnh cho rằng: "Vướng mắc xuất phát từ việc chúng ta coi đây là chất thải độc hại, muốn vận chuyển, sử dụng phải được cấp phép nên dẫn đến bị tồn ứ. Tại nhiều nước, tro, xỉ được sử dụng thay cát trong san nền, làm đường cao tốc. Muốn khuyến khích sử dụng tro, xỉ từ nhà máy NĐ ở Việt Nam, cần đơn giản hóa thủ tục, giấy phép, quản lý như với chất thải thông thường, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường".
Bộ Xây dựng hiện đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Mục tiêu đặt ra như đã được nêu tại Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020 xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ, dự kiến khoảng 56 triệu tấn tro, xỉ từ nhà máy NĐ và 2,5 triệu tấn thạch cao. Điều này có thể giúp tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng công trình, giảm được hàng trăm héc-ta diện tích đất làm bãi chứa, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất điện.
Theo Mạnh Hưng/qdnd.vn